Chế độ ăn và sinh hoạt giúp đẩy lùi bệnh trĩ cấp

Bên cạnh việc dùng thuốc đúng, việc bổ sung lượng chất xơ hợp lý, uống nhiều nước, vận động hàng ngày cũng là những cách điều trị tốt nhất cho người bệnh trĩ cấp.

Chế độ ăn và sinh hoạt giúp đẩy lùi bệnh trĩ cấp 1
Ăn nhiều trái cây để phòng ngừa bệnh trĩ cấp.

Bổ sung chất xơ

Việc tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống là nguyên tắc hàng đầu dành cho những ai muốn chữa khỏi bệnh trĩ. Chất xơ có nhiệm vụ làm mềm chất thải và tống chúng ra ngoài dễ hơn đồng thời, chất này còn giúp làm giảm cảm giác đau khi đi vệ sinh. Những rau củ, quả giàu chất xơ có thể kể đến như rau cải, rau muống, súp lơ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả tươi.

Tuy nhiên, bạn nên tăng lượng chất xơ trong mỗi bữa ăn một cách từ từ, không nên dồn dập quá vì việc tăng cường đột ngột quá nhiều chất xơ có thể gây đầy bụng, ợ hơi. Theo bảng Nhu cầu Dinh dưỡng Khuyến nghị cho người Việt Nam thì nhu cầu chất xơ tối thiểu cần là 18-20 g mộtmỗi ngày.

Uống đủ nước

Chế độ ăn và sinh hoạt giúp đẩy lùi bệnh trĩ cấp 2

Việc uống đủ nước cũng là một trong những phương pháp giúp bạn phòng ngừa bệnh trĩ. Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra nhu cầu khuyến nghị, với trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi, nhu cầu nước là 40 ml/kg, từ 19 đến 30 tuổi yêu cầu hoạt động thể lực nặng hơn nên nhu cầu nước là 40 ml/kg, từ 30 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35 ml/kg, người trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30 ml/kg. Trung bình mỗi người cần 1,5 – 2 lít nước (tương đương 6 – 8 ly nước một ngày). Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải hoạt động nhiều dưới trời nắng nóng, thì lượng nước bạn nên uống cần nhiều hơn.

Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bạn nên kiểm soát lượng natri trong khẩu phần ăn vì việc nạp quá nhiều chất này có thể khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến sưng tĩnh mạch và bệnh trĩ sẽ thêm trầm trọng.

Thể thao hàng ngày

Cùng với chế độ ăn uống hợp lý, một lối sống năng động cũng giúp bạn chống và ngăn ngừa bệnh trĩ hiệu quả. Những bài tập với mức độ vừa phải như chạy bộ, đi bộ 20-30 phút một ngày có thể giúp kích thích chức năng đường ruột. Nếu bắt buộc phải ngồi hay đứng nhiều do công việc thì mỗi giờ bạn nên đứng dậy và đi lại ít nhất 5 phút.

Lên lịch đi vệ sinh

Dù bận rộn với công việc nhưng bạn cũng cần dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để đi vệ sinh, không nên nhịn khi cảm thấy có nhu cầu. Trong trường hợp đi đại tiện khó khăn, bạn không nên nín thở mà vẫn nên thở đều vì việc nín thở khi đang gắng sức sẽ góp phần làm tăng sức ép, tăng cảm giác đau và làm vùng hậu môn chảy máu.

Ngâm trong nước ấm

Các chuyên gia cho biết, ngâm nước ấm ngập vùng mông 1- 2 lần/ngày, mỗi lần 10- 15 phút có tác dụng giảm cảm giác ngứa, khó chịu và co thắt cơ vòng. Bạn chỉ nên dùng nước ấm vừa phải để không làm tổn thương vùng da đang nhạy cảm. Bạn cũng không nên chà xát hay lau mạnh vùng hậu môn mà phải dùng khăn mềm lau nhẹ.

Giảm đau bằng nước đá

Nếu đang bị bệnh trĩ làm phiền, bạn có thể giảm đau bằng cách thoa nước đá vào vùng hậu môn, mỗi lần khoảng 10 phút sau đó bạn chườm tiếp một miếng gạc ấm lên vùng da này trong 10 – 20 phút.

Chọn trang phục thích hợp

Chọn đồ lót bằng cotton để thấm hút mồ hôi tốt, giúp ngăn ngừa ẩm ướt, giúp làm giảm triệu chứng ngứa, rát hậu môn. Trnag phục bên ngoài cũng cần phải rộng rãi, thoải mái để di chuyển dễ dàng và giảm áp lực lên vùng hậu môn.

Gặp bác sĩ để được tư vấn

Khi phát hiện ra dấu hiệu nào của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Khi được chỉ định dùng thuốc, bạn nên chọn những loại thuốc có thương hiệu uy tín và phải dùng đúng theo hướng dẫn, không được tự ý tăng liều hay cắt ngắn thời gian điều trị.

Theo tapchiykhoa.net

Add Comment