Viêm đại tràng mạn là bệnh đường tiêu hóa, có tỷ lệ tái phát cao, đặc biệt là vào thời điểm hè. Bệnh gây tổn thương lan tỏa khắp đại tràng hoặc khu trú một vùng.
Viêm đại tràng mạn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất.
Viêm đại tràng mạn do amip
Người bệnh mắc viêm đại tràng mạn do amip có những triệu chứng như: đau bụng quặn, mót rặn đại tiện, phân có nhầy lẫn máu. Bệnh kéo dài và thường xuyên tái phát. Nguyên nhân là do ăn phải thực phẩm chứa kén amip đã trưởng thành. Amip theo thức ăn đi qua dạ dày, ruột, hỗng tràng, từ đó bắt đầu gây ra viêm loét vùng manh tràng, đại tràng, trực tràng.
Chẩn đoán nguyên nhân viêm đại tràng mạn có phải do amip hay không, bác sĩ thường làm xét nghiệm phân, xét nghiệm huyết thanh hoặc nội soi đại tràng sinh thiết. Tùy vào mức độ nặng nhẹ để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Lưu ý là thuốc trị amip thường có tác dụng phụ nên bệnh nhân phải nằm viện để theo dõi.
Kén amip trưởng thành
Viêm đại tràng mạn do lao
Viêm đại tràng dạng này thường thứ phát sau lao phổi hoặc nguyên phát theo lao ruột. Nguyên nhân do người bệnh nhiễm vi khuẩn lao qua ăn uống. Bệnh mạn tính có biểu hiện như: mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ về chiều, thể lực suy giảm, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, phân có nhầy hoặc máu. Bệnh có thể phát triển gây tắc ruột, lao màng bụng.
Chẩn đoán bệnh dựa trên xét nghiệm phân, nội soi đại tràng sinh thiết và chụp Xquang. Điều trị bệnh cần kết hợp điều trị lao. Lưu ý dùng đúng hướng dẫn của bác sĩ, đúng phác đồ để tránh nguy cơ kháng thuốc. Khi biến chứng sang tắc ruột thì cần phải mổ.
Viêm đại tràng giả mạc
Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn C. difficile. Vi khuẩn này bình thường trú tại đường ruột, không gây bệnh. Nhưng sau một thời gian dài sử dụng kháng sinh, đường ruột bị loạn khuẩn, bệnh mới khởi phát. Triệu chứng của viêm đại tràng mạn là có tổn thương giả ở niêm mạc, tiêu chảy nước, phân lẫn máu, sốt, nhiễm độc.
Việc chẩn đoán dựa vào nội soi đại tràng sinh thiết, cấy phân tìm vi khuẩn. Trước khi điều trị bệnh phải dừng hết các loại kháng sinh không cần thiết, sau đó dùng lacteobaci-llus.
Viêm loét đại tràng vô căn
Viêm loét đại tràng vô căn không tìm thấy ký sinh trùng, virus, vi khuẩn hay nấm ở đại tràng. Do vậy nguyên nhân có thể do rối loạn miễn dịch, xảy ra trên những người stress nặng. Triệu chứng: bụng đau quặn từng cơn, buồn đại tiện cấp thiết, phân có máu lẫn nhầy, sụt cân, đau do viêm đốt sống, viêm khớp.
Bệnh phát triển gây thủng ruột, phình đại tràng hoặc ung thư. Những biến chứng này có thể xảy ra sau 10 năm mắc bệnh, tỷ lệ năm sau luôn cao hơn năm trước.
Việc chuẩn đoán chủ yếu dựa trên nội soi đại tràng sinh thiết. Để điều trị, người bệnh cần ăn đồ dễ tiêu, không uống sữa, sử dụng thuốc chống tiêu chảy, dùng corticpoid đặt hoặc thụt hậu môn. Trường hợp nặng phải tiêm tĩnh mạch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Nếu xảy ra biến chứng nhiễm độc, xuất huyết ồ ạt, thủng đại tràng cần phải phẫu thuật mổ. Nếu có tình trạng loạn sản phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng.
Bệnh Crohn
Bệnh hiếm gặp ở Việt Nam nhưng phổ biến tại các nước phương Tây, thường xảy ra ở cả ruột non và đại tràng. Bệnh mạn tính với các triệu chứng như đau bụng vùng hố chậu phải, tiêu chảy, sốt (hay bị nhầm với viêm ruột thừa). Crohn gây co thắt, phù nề, xơ hóa, hẹp lòng ruột, dẫn đến rò ruột, tắc ruột, áp xe, rò cạnh hậu môn. Điều trị Crohn như điều trị viêm loét đại tràng.
Viêm đại tràng mạn rất phổ biến, khó chẩn đoán nguyên nhân, điều trị lâu dài và hay tái lại. Do đó, cần phải phòng ngừa cẩn thận, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm. Nên ăn chín uống sôi, không uống sữa bò tươi chưa được tiệt trùng, không dùng kháng sinh kéo dài, mắc lao phổi cần điều trị tích cực. Ngoài ra cần tập thể dục thể thao, duy trì lối sống lành mạnh để không stress. Khi xuất hiện các triệu chứng như rối loạn đại tiện, phân có máu hoặc nhầy… cần đi khám chuyên khoa ngay.
Theo BS. Trần Quang Nhật