Viêm loét dạ dày hiện nay không còn là căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em và bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và khó lường.
Viêm loét dạ dày không chỉ ở người lớn!
Sẽ là cực kì sai lầm nếu cho rằng bệnh viêm loét dạ dày chỉ gặp ở người lớn, vì thực tế có tới 2/3 số trẻ dưới 15 tuổi đau bụng do viêm loét dạ dày, tá tràng, chứ không phải đơn giản là bị rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng do giun như các bố mẹ vẫn tưởng.
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày ở trẻ là do lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) khi dùng chung bát đũa ở nhà, ở trường và những nơi công cộng hoặc do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đã có dấu hiệu thủng dạ dày, tá tràng thì nhiễm HP chỉ là yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh. Ngoài ra, các yếu tố khách quan khiến trẻ đau dạ dày là do học tập căng thẳng, xem tivi, chơi game quá nhiều, thức khuya, ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn không đúng giờ giấc.
Làm gì khi trẻ bị đau dạ dày?
Với các trường hợp trẻ bị đau dạ dày ở mức độ nhẹ thì bố mẹ có thể tự khắc phục ở nhà bằng một số biện pháp sau:
- – Hàng ngày cho trẻ uống một cốc trà chanh ấm có cho thêm vài giọt mật ong giúp cơ dạ dày thư giãn hơn
- – Một cốc sữa chua, không chỉ giúp nhuận tràng mà còn làm mát dạ dày, giúp giảm đau hiệu quả.
- – Đun sôi một thìa hạt thì là với một chút nước sau đó để nguội ấm ấm rồi cho một thìa cà phê mật ong vào uống như trà.
- – Cho trẻ uống nhiều nước để cân bằng nồng độ axit trong dạ dày của trẻ.
Với các trường hợp thường xuyên bị đau vùng bụng phía trên rốn, buồn nôn, nôn, biếng ăn, gầy sút hoặc đau bụng dữ dội thì cần phải cho trẻ đi khám nội soi ngay, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng thêm đến mức phải cắt dạ dày, việc này sẽ để lại di chứng nặng nề khiến trẻ kém phát triển thể chất về sau.
Nhiều cha mẹ sợ nội soi sẽ làm con đau nhưng thực tế, hiện nay đã có dụng cụ để nội soi thích hợp với trẻ em, trẻ được soi bằng ống soi mềm, nhỏ và sẽ được gây mê nên hoàn toàn không gây cảm giác đau đớn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp kiểm tra HP qua hơi thở để tìm nguyên nhân.
Khi trẻ được chẩn đoán là bị viêm loét dạ dày, nhiễm HP thì phải cho trẻ dùng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần hạn chế cho trẻ xem tivi, chơi điện tử để phát triển trí não. Khuyến khích trẻ tập luyện thể thao để cơ thể có sức đề kháng với bệnh tật. Ăn nhiều rau củ, trái cây, đủ chất dinh dưỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ thời gian (8-10 giờ/ngày). Cha mẹ cần trò chuyện, gần gũi thường xuyên với trẻ khi thấy con bị căng thẳng trong học tập, trong cuộc sống. Đặc biệt, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ không được mớm cơm cho con để tránh các bệnh lây nhiễm, trong đó có vi khuẩn HP.
Theo lamchame.com