Không nên chủ quan khi mắc polyp đại tràng

Polyp đại tràng là khối phát triển bất thường ở bên trong bề mặt đại tràng. Polyp đại tràng không phải ung thư nhưng có nguy cơ phát triển thành ung thư rất cao. Những người có nhiều polyp đại tràng hoặc polyp kích thước lớn cần hết sức lưu ý.

  1. Nguyên nhân gây polyp đại tràng

Polyp đại tràng chưa được xác định rõ nguyên nhân nhưng theo nhiều công trình nghiên cứu thì chủ yếu do đột biến gen. Bình thường tế bào sinh trưởng chịu sự kiểm soát của 2 nhóm gen: nhóm gen ung thư và nhóm ức chế khối u. Khi có đột biến ở một trong hai nhóm này đều khiến tế bào tăng sinh quá mức tạo thành polyp hoặc u.

Một yếu tố khác là chế độ ăn uống. Khi ăn nhiều thịt đỏ (trâu, bò, cừu…), nhiều chất béo, ít chất xơ đều có thể bị polyp đại tràng.

Lối sống không lành mạnh, hút nhiều thuốc lá, bị béo phì, bị viêm đại trực tràng lâu ngày đều có nguy cơ mắc polyp đại tràng.

Gen di truyền cũng là một trong những yếu tố được đề cập đến.

polyp-dai-trang-01

Ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo xấu, ít chất xơ cũng là nguyên nhân gây polyp đại tràng

  1. Biểu hiện

Bệnh polyp đại tràng diễn biến âm thầm, không có biểu hiện rõ rệt, đặc biệt là các loại polyp nhỏ. Đa phần các trường hợp phát hiện sớm là do tình cờ nội soi đại tràng hoặc chụp đại tràng.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh vẫn có những biểu hiện như:

– Đi ngoài ra máu. Có thể thấy máu trên phân hoặc trên giấy vệ sinh khi lau. Có trường hợp phân có màu màu đen, nâu hoặc nhờ nhờ như máu cá, có lẫn nhầy. Phần có thể mềm, nhão nhưng vẫn lẫn máu.

– Người bệnh thường bị chảy máu ở mức độ vừa và nhẹ. Chảy máu nặng (mất máu) ít xảy ra hơn.

– Đau quặn bụng nếu polyp kích thước lớn. Do polyp kích thích làm nhu động ruột tăng, gây đau. Các cơ đau bụng có thể kèm theo bí trung tiện, khó đại tiện, buồn nôn, nôn…Các biểu hiện này rất dễ nhầm với bệnh khác.

  1. Biến chứng

Polyp đơn ở đại tràng thường là khối u lành tính, có thể tồn tại nhiều năm nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng những polyp không có cuống, có chân rộng thì khả năng ác tính cao hơn. Đại tràng càng nhiều polyp, khả năng ác tính càng cao, nguy cơ phát triển thành ung thư lớn.

polyp-dai-trang-02

Polyp đại tràng có nguy cơ phát triển thành ung thư, đặc biệt là ở những người lớn tuổi

Phương pháp chẩn đoán polyp đại tràng chính xác nhất là nội soi. Vì nó giúp quan sát được toàn bộ phần niêm mạc đại tràng và sinh thiết để xét nghiệm tế bào ác tính. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ.

  1. Chẩn đoán và điều trị

Người cao tuổi có nhiều polyp, đặc biệt là loại kích thước lớn hoặc đã có biến chứng như chảy máu, đau bụng, buồn nôn, nôn) thì cần được phẫu thuật cắt bỏ sớm, ngăn chặn ung thư. Sau khi phẫu thuật cần dùng thuốc để ngăn bệnh tái phát.

Những người (nhất là người già) khi có biểu hiện đau quặn bụng, đi ngoài ra máu hoặc có các biểu hiện bất thường về tiêu hóa như buồn nôn, nôn…cần đi khám ngay.

Để phòng ngừa polyp đại tràng, cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, rượu bia và các chất kích thích. Đồng thời ăn nhiều rau, hoa quả, vận động thể dục thể thao đều đặn.

Theo PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Add Comment