Lối sống ít vận động, ăn uống không lành mạnh, hay nhậu nhẹt, rượu bia, thuốc lá đang làm gia tăng tỷ lệ ung thư trực tràng ở người trẻ.
Các biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu lẫn nhầy thường xuyên xuất hiện nhưng không ai nghĩ đó là biểu hiện của bệnh ung thư. Đơn giản vì tuổi đời vẫn còn trẻ.
-
Tỷ lệ người trẻ mắc ung thư trực tràng gia tăng
Ung thư trực tràng đứng 4 trong tổng số các ca mắc ung thư. Tỷ lệ tỷ vong của bệnh cao thứ 3. Cả nam và nữ đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Đặc biệt, 95% các trường hợp ung thu trực tràng đều là ung thư tuyến, một loại ung thư bắt đầu ở các tế bào bao quanh ruột kết và trực tràng.
Theo nghiên cứu của Đại học Trung tâm Ung thư Anderson MD Texas (Mỹ), các tiến bộ trong y học đã góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ở những người trên 50 tuổi. Nhưng ngược lại, những người dưới 50 tuổi lại đang có xu hướng mắc ung thư trực tràng nhiều hơn.
Ung thư trực tràng đang gia tăng ở giới trẻ
Dựa trên dữ liệu 393.000 người mắc ung thư từ năm 1975 đến 2010, trung tâm đã đưa ra xu hướng cụ thể như sau:
– Nhóm tuổi 20-34: ung thư trực tràng tăng 124,2%, ung thư đại tràng tăng 90%.
– Nhóm tuổi 35-49: ung thư trực tràng tăng 46%, ung thư đại tràng tăng 27,7%.
-
Nguyên nhân gây ung thư
Vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư trực tràng ở người trẻ. Nhưng chắc chắn lối sống không lành mạnh, rượu bia, thuốc lá; chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, sản phẩm đột biến gen…và tỷ lệ béo phì tăng chóng mặt ở người trẻ sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, người trẻ cho rằng họ đang ở thời điểm sung mãn nhất, rất khó mắc các bệnh hiểm nghèo nên thường ít khi chú ý đến sức khỏe của mình.
Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh. Đặc biệt là những gia đình có tiền sử bệnh polyp tuyến.
-
Khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm
Ung thư trực tràng nếu phát hiện sớm có thể chữa trị được vì nó phát triển rất chậm. Một khối u phát triển thành ung thư phải mất 10-15 năm. Chụp chiếu thường xuyên sẽ phát hiện ra. Nếu để di căn thì phải điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Giai đoạn cuối cần phải điều trị kết hợp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị
Trên thực tế, không có nhiều người đi khám bệnh khi thấy có biểu hiện liên quan đến tiêu hóa. Đặc biệt là những người trẻ, hầu hết đều nghĩ đó là rối loạn tiêu hóa thông thường, chỉ cần mua thuốc cầm triệu chứng là sẽ đỡ. Đến khi các triệu chứng xuất hiện rõ rệt hơn, không thể dùng thuốc được, người bệnh mới đi kiểm tra. Khi đó, thường ung thư đã vào giai đoạn cuối.
-
Phương pháp phòng ngừa
Chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau củ, trái cây, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại thịt đỏ và ăn ít đường.
Tập thể dục thể thao: thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao sẽ giúp chống béo phì, giảm thời gian ứ đọng chất thải, chất độc hại trong đại tràng. Từ đó, giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng/trực tràng.
Nắm rõ tiền sử bệnh trong gia đình: Tìm hiểu trong gia đình xem có tiền sử các bệnh viêm loét đại trực tràng, polyp đại trực tràng hoặc các bệnh ung thư khác hay không.
Những dấu hiệu cần lưu ý: Khi thấy có dấu hiệu thay đổi đại tiện, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, phân lẫn máu, phân nhỏ dẹt bất thường kèm theo sụt cân không rõ nguyên nhân, phải đi khám ngay.
Theo ĐKN