Virus Rota gây bệnh tiêu chảy ở trẻ

Theo thống kê, có đến gần nửa triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới bị tử vong do nhiễm virus Rota.

Virus Rota được coi là nguyên nhân gây tiêu chảy nặng hàng đầu, dễ dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Khi bị tiêu chảy cấp do Rotavirus, tỷ lệ trẻ phải nhập viện cao gấp ba lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác, ở nước ta, tỷ lệ này là 55%.

Tiêu chảy cấp là một bệnh rất phổ biến, có tỷ lệ mắc và gây tử vong cao đứng hàng thứ hai sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp đó là suy dinh dưỡng.

Tìm hiểu về virus Rota gây bệnh tiêu chảy ở trẻ 1

Nguồn bệnh:

Người và một số động vật như bò, cừu, khỉ, chó… có thể là ổ chứa virus. Virus rota gây bệnh trên động vật chưa trưởng thành và có thể từ đó lây bệnh cho người. Rota virus ở động vật có thể lây truyền trực tiếp sang người hoặc tái tổ hợp với các chủng rota gây bệnh trên người.

Lứa tuổi hay mắc bệnh:

Tìm hiểu về virus Rota gây bệnh tiêu chảy ở trẻ 3

Trẻ nhỏ (từ 6 tháng đến 36 tháng) và người lớn đều dễ nhiễm virus rota nhưng thường không có triệu chứng. Ở Việt Nam, mùa tiêu chảy do rotavirus diễn ra vào mùa đông xuân ở miền Bắc còn miền Nam thì hầu như không phụ thuộc theo mùa.

Đường lây truyền:

Virus rota chủ yếu lây truyền qua đường phân – miệng, ngoài ra virus có thể lây qua đường hô hấp, nơi lây lan có thể là ngoài cộng đồng hoặc lây chéo trong bệnh viện.

Các yếu tố nguy cơ:

– Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh và có ít kháng thể hơn sẽ có nguy cơ cao mắc tiêu chảy hơn rất nhiều so với trẻ bú mẹ hoàn toàn .

– Ăn bổ sung không đúng cách: Cho trẻ ăn lại thức ăn đã chế biến để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.

– Nước uống không sạch: do nguồn nước bị ô nhiễm hay không uống nước đun sôi hay nước sôi để lâu.

– Dụng cụ, tay người chế biến thức ăn có virus gây bệnh.

– Quy trình xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách.

– Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn…

Triệu chứng lâm sàng:

Khi gây bệnh, rotavirus làm xuất hiện đột ngột các triệu chứng tiêu chảy phân nước, sốt và nôn sau giai đoạn ủ bệnh 2 – 3 ngày và kéo dài khoảng 5 – 7 ngày. Nôn và đi ngoài phân tóe nước là 2 đặc điểm lâm sàng thường gặp trong viêm dạ dày ruột cấp do rotavirus mà ít thấy trong các bệnh khác. Trẻ thường khởi phát bệnh với triệu chứng nôn và sốt sau đó là tiêu chảy tóe nước nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài đến 10 ngày. Phân không có nhày máu.

Sốt là biểu hiện khá phổ biến của trẻ nhiễm Rotavirus, gần 50% các trường hợp có biểu hiện sốt nhẹ dưới 38,5 độ C. Các triệu chứng khác như nôn (100%), biếng ăn (97,67%), khó chịu (90,7%). Tiêu chảy cấp do Rotavirus là nguyên nhân gây mất nước đứng hàng thứ 2 sau bệnh tả, do số lần tiêu chảy trong ngày thường 10-20 lần, một số trường hợp trẻ có thể đi ngoài trên 20 lần/ngày.

Khi mắc tiêu chảy có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu kali, mất nước nhiều,…

Theo thanhnienonline

Add Comment