Tác dụng phụ của thuốc lên hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa là nơi đầu tiên chịu các tác dụng phụ và phản ứng sinh hóa của thuốc. Có rất nhiều mức độ ảnh hưởng của thuốc lên hệ tiêu hóa. Dưới đây là những tác dụng phụ của thuốc thường gặp nhất.

Buồn nôn, trướng bụng, đầy hơi

Dùng thuốc có thể gây ra trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua, ợ nhiều lần, bụng đau âm ỉ, buồn nôn, nôn, ấm ách khó chịu. Nặng hơn có thể đau toàn bộ vùng bụng, ngực đau thắt, đặc biệt sau khi ăn. Các triệu chứng này xảy ra do các chức năng sinh lý của đường tiêu hóa bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc trị bệnh như: bệnh tăng huyết áp, bệnh xương khớp, bệnh trầm cảm, bệnh suy tuyến giáp trạng…

Tác dụng phụ của thuốc hay gặp nhất là buồn nôn, thường vẫn được cảnh báo trên tờ hướng dẫn của các loại thuốc giảm đau, chống viêm, tránh thai, kháng sinh, viêm khớp. Các loại thuốc này gây ra cảm giác buồn nôn và nôn là do trong thành phần có chứa các chất kích thích dạ dày, khiến dạ dày co bóp trào ngược thức ăn, gây buồn nôn.

tac-dung-phu-cua-thuoc-02

Các loại thuốc chống viêm, giảm đau thường có tác dụng phụ là gây buồn nôn

Tiêu chảy

Dùng kháng sinh hay gặp tác dụng phụ là tiêu chảy. Ngoài ra, thuốc colchicin chữa bệnh gút có độc tính lên hệ tiêu hóa cao cũng gây tiêu chảy cấp tính.

Kháng sinh gây tiêu chảy điển hình là spiramycin, nhóm cephalosporin, metronidazol, macrolid, tetracyclin…Khi uống kháng sinh, các vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, xác vi khuẩn đi qua dạ dày xuống ruột, gây rối loạn tại chỗ. Kháng sinh cũng không phân biệt được hại khuẩn gây bệnh và lợi khuẩn có ích, nó tiêu diệt cả hai, làm mất cân bằng hệ vi sinh. Đây là điều kiện để hại khuẩn sinh sôi, đặc biệt là hại khuẩn gây tiêu chảy Clostridium dificile.

Đối tượng hay mắc tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc là người cao tuổi và trẻ em.

Viêm loét, xuất huyết dạ dày

Các loại thuốc chống viêm không steroid như indomethacin, ibuprofen, phenybutazol, tenoxicam, meloxicam, diclofenac…có tác dụng đặc hiệu cho bệnh viêm khớp, xương nhưng cũng có nguy cơ gây chảy máu, viêm loét, thậm chí thủng dạ dày, ruột rất cao.

tac-dung-phu-cua-thuoc-01

Chảy máu, viêm loét, thủng ruột có thể là tác dụng phụ của thuốc không steroid

Phòng và điều trị loãng xương hay sử dụng đến nhóm thuốc bisphosphonat nhưng nhóm thuốc này cũng có tác dụng phụ nguy hại đến hệ tiêu hóa. Nguyên do là cấu trúc hóa học của nhóm bisphosphonat rất nhạy cảm với thực quản và dạ dày. Rất nhiều người đã bị kích ứng, đau và viêm loét dạ dày thực quản sau một thời gian sử dụng thuốc.

Men tiêu hóa, chiết xuất từ men tụy, dạ dày là các loại men phân hủy chất đạm động vật như pepsin, protease, có tác dụng với người bị viêm tụy mạn tính, viêm dạ dày mạn tính (không còn khả năng tiết đủ protease và pepsin). Nhưng các loại men tiêu hóa này cũng có khả năng tiêu hủy lớp niêm mạc trong cùng hệ tiêu hóa, gây viêm loét. Khu nặng nhất là dạ dày và niêm mạc.

Với những người dùng thuốc sai chỉ định sẽ gây ra viêm loét nặng hơn, có thể chảy máu và thủng dạ dày.

Phân đổi màu

Bình thường phân có màu nâu nhạt do có stercobilin và urobilin – dẫn xuất từ sắc tố mật. Nhưng khi dùng thuốc, phân sẽ chuyển sang màu đen (uống thuốc bổ chứa sắt hoặc thuốc trị tiêu chảy, viêm loét tá tràng có chứa bismuth); phân mau xanh dương hoặc xanh lá cây (thuốc trị giun sán dithiazanin). Các tác dụng phụ của thuốc này không nguy hại đến sức khỏe, sẽ chấm dứt khi ngưng thuốc. Nhưng trong trường hợp phân đổi màu kèm tiêu chảy thì người bệnh cần đi khám để được tư vấn cụ thể.

Theo BS.Đinh Huỳnh

Add Comment