Thông thường, viêm ruột là bệnh thường gặp ở người trưởng thành, song thời gian gần đây đã có cảnh báo về sự phát triển nhanh và rộng của chứng bệnh này, trong đó trẻ em cũng là đối tượng có thể mắc bệnh.
Hệ thống tiêu hóa bao gồm các bộ phận: dạ dày, ruột non, ruột già và trực tràng, có nhiệm vụ biến đổi thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết và hấp thu vào máu để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bình thường, hầu hết mọi người khi đang khỏe mạnh bình thường sẽ ít để ý đến hoạt động của hệ tiêu hóa, chỉ đến khi có vấn đề bất ổn như trong trường hợp của bệnh viêm ruột.
Viêm ruột do bệnh Crohn.
Có hai bệnh mạn tính gây ra tình trạng viêm ruột là: viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Nhìn chung, chúng có những biểu hiện khá giống nhau, song về cơ bản vẫn có một số khác biệt quan trọng: Viêm loét đại tràng khiến niêm mạc ruột bị viêm đỏ và xuất hiện các vết loét gây đau. Khu vực dễ tổn thương nhất là trực tràng, gây ra hiện tượng tiêu chảy thường xuyên. Crohn gây viêm ở đoạn cuối ruột non và một phần của ruột già. Các tổn thương này không chỉ xuất hiện ở một chỗ mà còn có thể ảnh hưởng tới các vị trí khác trên đường tiêu hóa. Viêm do Crohn ăn sâu vào các lớp của thành ruột và trong khi viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng đến niêm mạc của ruột.
Thủ phạm gây viêm ruột
Có 3 thủ phạm chủ yếu là: môi trường, chế độ ăn uống và di truyền.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng bệnh viêm ruột có liên quan đến một khiếm khuyết di truyền làm ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống miễn dịch và chứng viêm được kích hoạt phản ứng với vi khuẩn, virus hoặc protein trong thực phẩm. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thuốc lá có thể tăng khả năng phát triển bệnh Crohn.
Dấu hiệu và triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm ruột là đau bụng, tiêu chảy. Tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nặng, tiêu chảy cấp sẽ dẫn đến mất nước, trụy tim, tim đập nhanh và tụt huyết áp. Nếu có kèm theo hiện tượng mất máu, dù chỉ là một lượng máu nhỏ trong phân cũng có thể dẫn tới thiếu máu. Song, cũng có trường hợp bệnh nhân viêm ruột bị táo bón, tình trạng này thường xảy ra với bệnh Crohn, đó là do kết quả của một tắc nghẽn trong lòng ruột. Còn trong viêm loét đại tràng, táo bón có thể là một triệu chứng của viêm trực tràng. Bệnh nhân thường có cảm giác nặng bụng, cảm giác đau, khó chịu sẽ bớt khi đại tiện, trung tiện được và tăng lên khi bị táo bón.
Ngoài ra còn một số biển hiện khác như: trong phân có máu, sốt, mệt mỏi và sụt cân,… Trẻ em mắc bệnh viêm ruột có thể sẽ chậm lớn và chậm dậy thì do thiếu hấp thu dưỡng chất. Bệnh này không có các triệu chứng rõ ràng kể cả khi ruột đã bị ảnh hưởng trong nhiều năm, do đó gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.
Chế độ ăn uống phòng ngừa bệnh viêm ruột
Chế độ ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh đường ruột, trong đó có viêm ruột. Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm nặng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột, đặc biệt là trong tình trạng cấp tính: các sản phẩm sữa, thực phẩm nhiều chất béo, một số loại rau như cải bắp, xúp lơ, ngô, bông cải xanh, trái cây họ cam quýt, các chất kích thích,…
Nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn 5-6 bữa ăn nhỏ 1 ngày thay vì 2 hoặc 3 bữa lớn như những người khỏe mạnh. Uống nhiều nước: cố gắng uống nhiều nước hơn hàng ngày. Hạn chế rượu và đồ uống có chứa caffeine kích thích ruột và có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn, trong khi đồ uống có ga thường xuyên tạo ra khí.
Theo trithuctre