Phòng chống tiêu chảy khi du lịch

Trong khi đi du lịch, do hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt có nhiều khác biệt và thay đổi, cơ thể phải chịu nhiều tác động của ngoại cảnh nên nguy cơ mắc tiêu chảy sẽ cao hơn…

Không gì có thể khiến cho chuyến du lịch của bạn khổ sở, vất vả bằng những cơn đau bụng và những hệ lụy khác đi kèm. Do đó, để chuyến đi được diễn ra tốt đẹp, bạn nên chú ý chuẩn bị phòng và đối đầu với tiêu chảy khi mắc phải.

Phòng chống tiêu chảy khi du lịch 1

Những người dễ mắc tiêu chảy

Tuy cùng một điều kiện sinh hoạt, ăn uống, nhưng có người hay bị mắc tiêu chảy, có người không. Đó là do khả năng miễn dịch của từng người, với người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh đái tháo đường, người mắc bệnh dạ dày đang sử dụng thuốc kháng acid thì hệ miễn dịch khá yếu nên dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người trẻ tuổi, khỏe mạnh chủ quan được, bởi nghĩ mình khỏe mạnh nên muốn thử nghiểm những đồ ăn thức uống khác lạ, mà không biết rằng khi du lịch thì khả năng tiếp xúc với nguồn bênh sẽ nhiều hơn.

Nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy có thể là do vi khuẩn, do virus hoặc một số nguyên nhân khác. Và điều đáng ngại là bạn sẽ không dễ dàng xác định được điều này khi đi du lịch. Khi đã bị tiêu chảy thì hậu quả tất yếu đều là nguy cơ mất nước trầm trọng, rối loạn điện giải. Nếu không có biện pháp kịp thời thì tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Cách xử trí khi bị tiêu chảy

Nếu một ngày bạn đi ngoài phân lỏng 2-3 lần thì cần theo dõi, có thể bạn chỉ bị rối loạn tiêu hóa do điều kiện sinh hoạt thay đổi, chưa đáng ngại lắm, tình trạng này có thể tự chấm dứt sau đó. Tuy nhiên, khi số lần đi ngoài của bạn nhiều hơn, phân lỏng hoặc tháo như nước thì có nghĩa là bạn đã bị tiêu chảy, bạn không được chủ quan.Trước hết, người bệnh cần được bù nước kịp thời bằng dung dịch oresol. Pha oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng. Nếu không có sẵn hoặc tìm mua được sản phẩm này thì có thể bù nước cho bệnh nhân bằng các thức uống sẵn có như nước lọc, nước hoa quả không đường, nước cháo loãng pha muối, trà… Với trẻ nhỏ có thể cho tăng lượng sữa uống hoặc tăng số lần bú mẹ lên.

Bên cạnh cách thức trên, bệnh nhân cần được dùng thuốc giúp giảm nhu động ruột (như loperamide, thuốc chứa diphenoxylate). Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người bị sốt hay tiêu chảy ra máu thì không nên dùng thuốc này bởi nó có thể làm chậm việc tống xuất các chất thải , các sinh vật gây bệnh ra ngoài, khiến cho bệnh nặng hơn. Cũng không được sử dụng thuốc này kéo dài hơn 48 giờ. Có thể dùng kháng sinh để cầm tiêu chảy nhưng nhất thiết phải được bác sĩ khám và kê toa, không nên tự ý mua để dùng.

Những dấu hiệu cần đến ngay bác sĩ

Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài và cơ thể có dấu hiệu nhiễm độc, mất nước không thể bù được như mệt mỏi, hạ huyết áp, da nhăn nheo, mắt hõm… thì cần đến bác sĩ ngay lập tức. Đặc biệt khi người bệnh tiêu chảy liên tục trên 10 lần/ngày, đau bụng quặn thắt, đại tiện toàn nước, phân có màu trắng đục như nước vo gạo, phân không lẫn máu hay chất nhày, kèm theo nôn thì phải đưa người bệnh đến bệnh viện nơi gần nhất.

Phòng ngừa tiêu chảy khi đi du lịch

Để chuyến đi của bạn được suôn sẻ, tốt đẹp không bị tiêu chảy làm ảnh hưởng, trước khi đi, bạn cần chuẩn bị một số thuốc như oresol, loperamide hoặc để chắc chắn hơn, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để chuẩn bị những thứ thuốc cần thiết mang theo trong chuyến đi. Bạn cần nhớ rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì thế, trong suốt chuyến du lịch, bạn hãy cẩn thận với mọi đồ ăn thức uống: không uống nước chưa được đun sôi, khử khuẩn, hạn chế ăn thức ăn đường phố, hạn chế thức ăn tái, chưa chín hay còn sống như ăn gỏi. Luôn vệ sinh bàn tay trước khi ăn. Trên thị trường hiện có bán một số loại dung dịch rửa tay khô rất tiện lợi khi đi du lịch, chúng có thể giúp bạn khử khuẩn bàn tay, loại bỏ những tác nhân gây bệnh

Theo thanhnienonline

Add Comment