Bạn có thể cảm thấy rất đau, rất khó chịu khi có một tổn thương nhỏ ở dạ dày nhưng khi có một ổ loét khổng lồ thì bạn lại không thấy triệu chứng gì.
Đau dạ dày đơn giản là tình trạng đau do dạ dày bị tổn thương, nguyên nhân có thể do viêm dạ dày, loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Đau dạ dày còn do ảnh hưởng bởi những tổn thương cảu các cơ quan gần với dạ dày trong đường tiêu hóa như tá tràng (phần đầu của ruột non) và thực quản (đường dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày). Vì hình chiếu điểm đau của các tổn thương thực quản, dạ dày, tá tràng trên bụng là tương đối giống nhau nên gọi chung là “đau dạ dày”.
Triệu chứng tổn thương dạ dày
Ởi mỗi cá nhân, triệu chứng đau dạ dày sẽ khác nhau, có người đau ít, có người đau nhiều và kiểu đau cũng khác nhau. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh đau dạ dày bao gồm: đau vùng thượng vị (vùng giữa bụng dưới xương ức và trên rốn một ít, các cơn đau này thường gây ra cảm giác tức, đau rát bỏng hay đau âm ỉ và thường xảy ra khi bụng đói hoặc no quá), đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,…
Tổn thương dạ dày càng nặng thì đau càng nhiều?
Quan điểm này không hoàn toàn đúng bởi mức độ đau của dạ dày không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với mức độ trầm trọng của tổn thương dạ dày. Một tổn thương nhỏ ở dạ dày đôi khi có thể rất đau, rất khó chịu nhưng một ổ loét khổng lồ lại không có triệu chứng gì, hoặc không đáng kể (hay còn gọi là loét câm). Một số trường hợp bị ung thư dạ dày cũng không thấy một triệu chứng trầm trọng nào đáng kể. Song các trường hợp này rất hiếm gặp và chủ yếu ở người lớn tuổi. Đau dạ dày dù ít dù nhiều cũng có những triệu chứng đặc trưng, vì thế cần phải đi thăm khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân đau dạ dày
– Stress (lo lắng quá mức kéo dài): Acid dạ dày sinh ra được điều khiển bởi dây thần kinh số 10. Khi bạn bị stress, dây thần kinh sẽ kích ứng làm acid được hình thành nhiều quá mức cho phép gây viêm loét dạ dày.
– Vi trùng Helicobacter Pylori (HP) sống trong niêm mạc dạ dày có thể gây viêm, loét và ung thư dạ dày. Cách làm giảm viêm loét và nguy cơ ung thư dạ dày tối ưu là tiệt trùng HP.
– Thuốc: Prostaglandin vừa là chất bảo vệ niêm mạc dạ dày nhưng đồng thời cũng là một yếu tố gây viêm. Sử dụng thuốc kháng viêm làm giảm nồng độ Prostaglandin gây ra viêm – loét dạ dày tá tràng.
– Chế độ ăn uống quá nhiều gia vị và chất béo có thể làm dạ dày bị kích ứng đưa đến đau dạ dày. Hậu quả cũng tương tự khi uống quá nhiều rượu, hút thuốc hoặc ăn uống thất thường, ăn uống vội vàng…
– Do mắc một số bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh xơ gan, hội chứng cushing…
Làm thế nào để xác định bệnh đau dạ dày
Bên cạnh việc thăm khám, dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sỹ sẽ tiến hành nội soi và hiện nay, đây là phương pháp hiệu quả nhất. Riêng với bệnh đau dạ dày, các biện pháp như siêu âm hay CT đều không thể mang lại kết quả chính xác vì trong dạ dày và hệ tiêu hóa có chứa rất nhiều khí. Hơn nữa, các biện pháp này không giúp bác sỹ nhìn thấy trực tiếp niêm mạc dạ dày hay lấy mẫu mô để làm xét nghiệm.
Điều trị đau dạ dày
Viêm loét dạ dày:
– Thuốc kháng acid để làm giảm nồng độ acid
– Thuốc kháng sinh để tiệt khuẩn vi khuẩn HP.
– Hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều mỡ, hút thuốc lá, uống rượu bia.
– Cải thiện chất lượng cuộc sống lạc quan, giảm lo âu, tránh stress.
Ung thư dạ dày:
– Nếu phát hiện sớm: Có thể cắt bớt niêm mạc dạ dày qua nội soi.
– Ung thư dạ dày tiến triển: Phẫu thuật.
Theo vnexpress