Nguyên tắc “vàng” cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng sống khỏe mạnh

 

Đối với hầu hết chúng ta, khi mắc ung thư nói chung hay ung thư đại trực tràng nói riêng thì có nghĩa là “án tử” đang treo trên đầu. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân ngoài 50 tuổi mắc ung thư đại tràng nhưng vẫn có thể sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường thêm nhiều năm nữa nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Ung thư đại trực tràng là gì?

Ruột già là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. Sau khi thức ăn được nhai ở miệng, nuốt qua thực quản tới dạ dày, rồi thức ăn được tiêu hóa và đi thẳng xuống ruột non. Tại đây, thức ăn tiếp tục được tiêu hóa và chuyển hóa thành các chất bổ đi nuôi dưỡng cơ thể. Sau khi đi qua ruột non, thức ăn tiếp tục xuống tới ruột già hay còn gọi là đại tràng. Đại tràng được chia làm 4 phần, trong đó phần đầu của đại tràng có chức năng hấp thu nước cùng chất bổ dưỡng và là nơi chứa chất bã. Chất bã sau đó sẽ thành phân đi xuống trực tràng là đoạn cuối của ống tiêu hóa. Các tế bào ung thư có thể khởi phát từ bất cứ đoạn nào trên đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư xuất phát niêm mạc đại trực tràng sau đó dần xâm lấn ra ngoài các lớp khác của thành ruột.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư đại trực tràng

Các polyp đại trực tràng

Các polyp mọc trên thành bên trong của đại tràng hoặc trực tràng, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Về cơ bản, hầu hết các khối polyp đều lành tính, không phải là ung thư nhưng một số polyp (u tuyến) có thể phát triển ung thư.

Viêm loét đại tràng hoặc bệnh CROHN

Một người đã bị một bệnh lý gây ra viêm đại tràng (như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn) trong nhiều năm sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn so với người bình thường.

Tiểu sử của bản thân mắc ung thư

Người bệnh đã mắc ung thư đại trực tràng có thể phát triển ung thư đại trực tràng lần thứ hai. Ngoài ra, phụ nữ có tiền sử mắc ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, hoặc ung thư vú đều có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn.

Gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng

Nếu trong gia đình bạn có tiền sử người thân mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là nếu người thân của bạn đã bị ung thư khi còn trẻ thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của bạn cũng cao hơn so với những người bình thường khác.

Các yếu tố lối sống

Những người hút thuốc lá, có chế độ ăn uống kém khoa học, ăn nhiều thịt đỏ, dầu mỡ, ít chất xơ sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa của đại trực tràng, tăng sự hấp thụ độc tố.

Tuổi tác

Khi bạn bước qua tuổi 50, ung thư đại trực tràng dễ tấn công cơ thể bạn. Hơn 90% số người mắc bệnh này được chẩn đoán sau tuổi 50 và lớn hơn.
Tuân thủ phác đồ điều trị giúp người bệnh ung thư đại tràng sống khỏe mạnh hơn

Nguyên tắc vàng cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng sống khỏe đến già

Theo PGS.TS Bùi Công Toàn – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, tại bệnh viện có nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư đại trực tràng cách đây hơn 20 năm nhưng vẫn sống khỏe mạnh nhờ phát hiện sớm bệnh và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Hiện nay, tại Việt Nam đã ứng dụng theo các phác đồ điều trị bệnh ung thư hiện đại nhất của thế giới như phác đồ điều trị của Mỹ. Người bệnh được hóa trị, xạ trị trước khi phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật xong, lại được tiếp tục hóa trị, xạ trị để loại bỏ tế bào ung thư, hạn chế tới mức thấp nhất khả năng tái phát của tế bào ung thư.

PGS. Toàn cho biết, cách đây 30 năm, Việt Nam mới chỉ tiến hành phẫu thuật trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, nếu chỉ phẫu thuật, cắt đi toàn bộ khối u mà không thực hiện thêm các biện pháp hóa trị hay xạ trị thì tỉ lệ tái phát ngay trong 1 năm đầu lên tới 79%. Ông nói: “Nếu chỉ phẫu thuật tức là cắt bỏ đi khối u ác thì những tế bào ung thư rất nhỏ vẫn còn tồn tại trong cơ thể và có thể di căn, sinh sôi ở những bộ phận khác trong cơ thể. Vì vậy, chỉ phẫu thuật mà không điều trị ung thư sẽ không mang lại cơ hội sống cao cho bệnh nhân”.

Ngày nay, khi y học phát triển hơn, phác đồ điều trị ung thư đã thêm bước chiếu tia xạ trước khi phẫu thuật giúp giảm hẳn tỷ lệ bệnh tái phát trong năm đầu. Theo thống kê, chỉ còn 30% bệnh nhân bị tái phát bệnh trong 1 năm đầu. Bệnh viện K trung ương đã áp dụng phương pháp này cách đây 25 năm trước.

Hiện nay, áp dụng cả phương pháp hóa trị và xạ trị, kết hợp tiền phẫu thì tỷ lệ bệnh nhân tái phát ung thư đại trực tràng trong 1 năm đầu chỉ còn 11%. Việc áp dụng 3 phương pháp hóa trị, xạ trị trước khi phẫu thuật và cả sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư như một thế kiềng 3 chân, hỗ trợ lẫn nhau rất hiệu quả trong điều trị.

PGS. Toàn cho biết thêm, đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, kể cả khi phát hiện ở giai đoạn muộn, có trường hợp di căn vào gan, thậm chí, di căn lên cổ, nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị thì vẫn có cơ hội kéo dài sự sống. Những kết quả này đã được các bác sĩ Việt Nam thực hiện nghiên cứu qua nhiều năm và được bảo vệ trong nhiều đề tài nghiên cứu.

Cuối cùng, PGS. Toàn khẳng định, ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng hiện không còn là nỗi đáng sợ. Nếu phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, người bệnh có cơ hội điều trị khỏi và sống khỏe mạnh tới già, điều quan trọng là người bệnh cần có ý chí tốt, không đầu hàng bệnh tật.

Add Comment