Polyp đại trực tràng được coi là bệnh lý, thường gặp ở người ở độ tuổi trưởng thành (chiếm khoảng 30 – 50%), ít nhiều bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng và môi trường sống.
Khái quát chung
Polyp có cấu tạo là một hay nhiều khối tăng sinh của tổ chức niêm mạc, và dưới niêm mạc đại tràng hay trực tràng, có hình dạng giống như khối u, có cuống (gọi là polyp có cuống) hoặc không có cuống (polyp không cuống). Đa phần polyp đại trực tràng có tính chất lành tính, một số ít có khả năng ác tính hóa sau một thời gian, sau đó phát triển thành ung thư đại trực tràng.
Một số điều kiện thuận lợi cho việc phát triển bệnh lý polyp đại trực tràng: chế độ ăn nhiều thịt đỏ, nhiều chất béo, ít chất xơ, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, bệnh béo phì,… Với những người ở độ tuổi dưới 40 thì có ít trường hợp xuất hiện polyp đại trực tràng. Còn những người từ 50 tuổi trở lên thì có đến 90% khả năng có polyp và với polyp ác tính thì trung bình mất khoảng 10 năm để từ một polyp có thể chuyển sang ung thư hóa.
Cũng phải kể đến một nguyên nhân khác nữa là do di truyền hay có tính chất gia đình. Nếu trong gia đình có nhiều thành viên bị bệnh polyp hay đa polyp đại trực tràng, hoặc bị ung thư đại tràng khi còn trẻ tuổi thì bạn cần tầm soát bệnh lý polyp và ung thư đại trực tràng từ sớm (trước 50 tuổi).
Phân loại
Có thể kể ra nhiều loại polyp đại trực tràng, nhưng trên lâm sàng thì 2 loại thường gặp nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến, các bác sĩ phân biệt chúng nhờ vào kết quả mô học.
Polyp tăng sản thường lành tính, hay gặp ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, có kích thước nhỏ. Polyp tuyến thì có kích thước lớn hơn và khả năng phát triển thành ung thư nhiều hơn. Bệnh polyp đại trực tràng nhìn chung ít gây triệu chứng. Khi polyp trực tràng có kích thước quá lớn hoặc có vết viêm loét ở bề mặt polyp thì có thể gây ra hiện tượng đi ngoài khó hoặc trong phân có máu. Chính vì không có triệu chứng đáng kể nên polyp thường chỉ được tình cờ phát hiện khi người bệnh khám nội soi đại trực tràng để tầm soát ung thư, hoặc để chẩn đoán các bệnh lý viêm loét trong đường ruột già.
Nói như trên thì không có nghĩa là các polyp nhỏ không có khả năng ác tính hóa, đôi khi chúng cũng là khởi nguồn cho căn bênh ung thư nguy hiểm. Vì thế, ngay khi phát hiện polyp đại trực tràng thì bạn nên cắt bỏ ngay, sau đó lấy mẫu để làm giải phẫu bệnh học nhằm tầm soát sớm ung thư. Hiện nay, với kỹ thuật nội soi đại tràng hiện đại, hầu hết các polyp vùng đại trực tràng đều có thể được cắt bỏ bằng phương pháp này và hầu như không để lại tai biến trong cũng như sau quá trình làm thủ thuật.
Đối với một số loại polyp, nhất là polyp tuyến thường, tỷ lệ tái phát khá cao, do đó sau khi tiến hành cắt polyp đại trực tràng khoảng 3 – 5 năm thì nên nội soi đại tràng kiểm tra lại. Một số trường hợp đặc biệt như đa polyp, các polyp có kích thước rất nhỏ không cắt được hay polyp có cấu trúc nghi ngờ thì thời gian để kiểm tra lại qua nội soi cần làm sớm hơn 3 năm.