Làm sạch đường ruột bằng lợi khuẩn

Bổ sung lợi khuẩn (probiotic) thường xuyên giúp bảo vệ niêm mạc ruột, ngăn ngừa các bệnh đường ruột và cải thiện các vấn đề tiêu hóa như: viêm đại tràng, hội chứng kích thích ruột, viêm loét dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, trĩ.

Lợi khuẩn probiotic

loại lợi khuẩn nào tốt cho đường ruột (1)Hình ảnh mô phỏng lợi khuẩn probiotic

Theo Giáo sư Mario Clerici, Chủ tịch ngành miễn dịch học, Đại học Y khoa Milano, Italy thì lượng vi khuẩn chiếm đến 90% tế bào trong cơ thể người, vì vậy sự ổn định, cân bằng hệ vi khuẩn tác động rất lớn đến sức khỏe con người.

Thông thường, sự cân bằng một người khỏe mạnh là 85% là lợi khuẩn – 15% là hại khuẩn. Nếu sự cân bằng này mất đi do bất cứ nguyên nhân nào đó, tỷ lệ hại khuẩn gia tăng thì cơ thể sẽ suy yếu về khả năng miễn dịch, suy giảm sức đề kháng. Từ đó, dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa và hô hấp. Việc bổ sung lợi khuẩn giúp tăng cường khả năng bảo vệ niêm mạc đường ruột, làm gia tăng lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể là cần thiết.

Lợi khuẩn được tìm thấy trong thực phẩm và cả các chất bổ sung (probiotic có thể là tự nhiên hoặc đã được thêm vào trong giai đoạn chế biến). Các thực phẩm giàu probiotic gồm có: sữa chua, sữa lên men và chưa lên men, đồ uống từ sữa chua, đồ uống đậu nành, đậu tương lên men và một số nước hoa quả,…. Đặc biệt, là các loại men vi sinh.

Tác dụng của lợi khuẩn đối với sức khỏe con người

Sản sinh và tổng hợp ra các chất kháng khuẩn. Lợi khuẩn có khả năng tạo ra các chất kháng khuẩn mạnh như: acid hữu cơ, bacteriocin, hydrogen peroxide.

Bacteriocin là một chất kháng khuẩn giống như là một kháng sinh tự nhiên, được sản xuất bởi vi khuẩn lactic. Bacteriocin có tác dụng tạo nên những lỗ trên màng tế bào chất và sau đó enzyme được tiết ra gây trở ngại cho quá trình trao đổi chất của vi khuẩn gây bệnh. Lợi khuẩn Bifidobacterium cũng có khả năng sản xuất ra bacteriocin gây độc cho cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Đặc biệt, lợi khuẩn còn kích thích các tế bào biểu mô ở ruột, sản xuất ra các chất kháng khuẩn.

Acid hữu cơ được sản xuất bởi vi khuẩn lactic như lactic, acetic, propionic… làm pH môi trường hạ thấp xuống, ảnh hưởng đến pH nội bào của vi khuẩn gây bệnh, làm ức chế sự phát triển của chúng.

Probiotics

Probiotics giúp tạo ra nhiều chất kháng khuẩn tốt cho cơ thể

Hydrogen peroxide cũng là một chất kháng khuẩn, một số vi khuẩn Lactobacillus trong âm đạo phụ nữ có khả năng sinh ra hydrogen peroxide ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh gonococci trong cơ quan sinh dục nữ.

Lợi khuẩn cạnh tranh vị trí gắn kết

Khả năng gắn kết trên biểu mô ruột là một yếu tố quan trọng cho hệ vi sinh vật cư trú trong ruột, và cũng chính là giai đoạn đầu của quá trình xâm nhiễm. Lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa ngăn chặn khả năng bám dính của tác nhân gây bệnh và giảm lượng chất độc của chúng trên biểu mô ruột. Một số trường hợp, lợi khuẩn có thể chiếm cả vị trí gắn kết của vi khuẩn gây bệnh ngay cả khi những vi khuẩn này đã bám chặt trên tế bào biểu mô.

Ngoài ra, một số chủng probiotic còn có khả năng làm giảm độ thẩm thấu vào màng nhầy, hạn chế được sự xâm nhập của vi sinh vật. Sinh tổng hợp chất nhầy cũng là một trong những cơ chế chống lại các tác nhân gây bệnh, chất nhầy sẽ cô lập, bất hoạt vi sinh vật gây bệnh.

Lợi khuẩn cạnh tranh nguồn dinh dưỡng

Probiotic cạnh tranh các chất dinh dưỡng với các vi sinh vật gây bệnh. Bất kỳ vi sinh vật nào cũng cần có nguồn dinh dưỡng để phát triển. Thức ăn giúp probiotic phát triển là sử dụng đường đơn (glucose, fructose) làm giảm sự phát triển của clostridium dificile (cũng sử dụng đường đơn).

Lợi khuẩn kích thích hệ miễn dịch

Sử dụng probiotic giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên. Nhiều chủng Lactobacillus có khả năng hoạt hóa đại thực bào, giúp kích thích hình thành bạch cầu trung tính, làm tăng khả năng tổng hợp IgA và interferon gamma.

Một số vai trò khác đối với cơ thể

Chống dị ứng: Probiotic góp phần chống lại các dị ứng của cơ thể, cung cấp nhiều chất quan trọng như: folic acid, riboflavin, niacin, vitamin B6 và B12.

Probiotic có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh, làm hạ huyết áp cao. Ngoài ra, chúng giúp hệ tiêu hóa nhanh chóng bình phục sau khi mắc bệnh tiêu chảy và sử dụng nhiều kháng sinh.

Hà Phương

Add Comment