Khái quát chung về bệnh viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc là một bệnh khá nguy hiểm ở đường tiêu hóa, bệnh gây đau đớn và có những triệu chứng báo động có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị  thành công.

Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng viêm liên quan đến việc dùng kháng sinh, thuốc làm cho vi khuẩn C. Difficile (clostridium difficile) phát triển quá mức khiến đại tràng bị nhiễm trùng quá mức. Vi khuẩn này được lây truyền qua tay của những người bị nhiễm, có thể sống ở dạng bào tử tới 5 tháng  trên sàn của bệnh viện. Đối tượng dễ mắc bệnh là người cao tuổi, bệnh nhân đang phải điều trị trong bệnh viện, những người bị nhiễm trùng tiểu, người bị bỏng, các bệnh nhân ung thư…

Khái quát chung về bệnh viêm đại tràng giả mạc 1

Triệu chứng của bệnh

Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện ngay trong vòng 1 – 2 ngày đầu khi bạn bắt đầu sử dụng một loại kháng sinh nào đó, hoặc có thể sau vài tuần khi bạn đã ngừng thuốc kháng sinh.

Một số triệu chứng điển hình là: tiêu chảy, đôi khi có máu, mủ hoặc chất nhày trong phân; đau quặn bụng; sốt; buồn nôn; mất nước

Điều trị bệnh

Khi xuất hiện các triệu chứng trên khi đang và dùng xong thuốc kháng sinh, bạn cần liên lạc với bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ cho bạn ngừng  sử dụng thuốc kháng sinh hiện tại và bắt đầu một loại kháng sinh có hiệu quả chống lại C. Difficile, việc này cho phép cho phép các vi khuẩn bình thường phát triển trở lại, khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột già của bạn. Các kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm đại tràng giả mạc thường ở dạng uống. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể cải thiện trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu điều trị. Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.

Điều trị các dấu hiệu và triệu chứng tái phát

Ngay cả khi đã điều trị thành công, viêm đại tràng giả mạc vẫn có thể tái phát trong vài tuần đến vài tháng. Trong những trường hợp này, lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

– Thuốc kháng sinh: Bạn có thể cần một đợt thứ 2 hoặc thứ 3 của thuốc kháng sinh để giải quyết tình trạng.

– Phẫu thuật: Nếu kháng sinh vô tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra đối với những người bị viêm đại tràng giả mạc. Phẫu thuật là một lựa chọn cho những người bị suy thoái nội tạng, vỡ đại tràng và viêm phúc mạc.

Phòng ngừa tái phát viêm đại tràng giả mạc

Nếu bạn đã bị viêm đại tràng giả mạc tái phát nhiều lần hoặc có nguy cơ tái phát cao, bên cạnh việc dùng kháng sinh chống lại vi khuẩn C.difficile, bạn có thể thử điều trị bằng men vi sinh (probiotics). Đây là sự bổ sung các vi khuẩn và nấm men dưới dạng viên nang hoặc dạng nước. Các thuốc này được sử  dụng qua đường uống. Vi khuẩn trong thuốc bổ sung sẽ đi tới ruột già, giúp chống lại các vi khuẩn có hại. Một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy nấm men Saccharomyces boulardii có thể làm giảm nguy cơ tiêu chảy tái phát liên quan đến nhiễm C. difficile.

Theo suckhoedoisong

Add Comment