Một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa.
Ăn đủ bữa, ngủ đúng giờ giúp bạn ăn uống ngon miệng hơn, đồng thời giúp cho quá trình hấp thụ và chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể diễn ra hiệu quả hơn. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp bạn phòng ngừa các bệnh thường gặp tại đường tiêu hóa như trào ngược, viêm loét dạ dày thực quản, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích và ung thư đường tiêu hóa.
Quá trình tiêu hóa trong cơ thể khi bạn ngủ
Khi ngủ quá trình tiêu hóa trong cơ thể diễn ra chậm hơn
Quá trình tiêu hóa của cơ thể bắt đầu ở khoang miệng và kết thúc tại trực tràng. Khi cơ thể bước vào trạng thái ngủ, hoạt động của các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa cũng giảm đi. Nhai giảm rõ rệt, sản xuất nước bọt và pH nước bọt cũng giảm đáng kể, hoạt động nuốt cũng giảm khoảng 5 lần. Thực quản giảm co thắt, cơ vòng thực quản dưới cũng giảm trương lực và giãn hơn khi ngủ.
Dạ dày làm nhiệm vụ axit hóa thức ăn và kiểm soát dòng chảy của viên thức ăn vào tá tràng giúp tối ưu hóa sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Chu kỳ co bóp của dạ dày thường xảy ra 2-4 lần/phút, di chuyển viên thức ăn vào tá tràng, khi ngủ sẽ giảm tần số và biên độ co bóp, do vậy thời gian làm trống dạ dày sẽ chậm hơn.
Sau dạ dày, thức ăn sẽ tiếp tục tới ruột non. Bộ phận này làm nhiệm vụ hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn và tiếp tục đẩy các viên thức ăn khó tiêu hóa xuống tới đại tràng. Nghiên cứu cho thấy sự hấp thụ ở ruột non vào ban đêm cũng chậm hơn nhưng sự gia tăng sản xuất amylase, tăng tiêu hóa tinh bột và không thay đổi protease tiêu đạm trong khi ngủ.
Nhu động đại tràng giảm trong giấc ngủ. Cơ vòng hậu môn trong vẫn co, giữ áp lực chủ động, áp suất ống hậu môn vẫn còn lớn hơn áp lực trực tràng để duy trì việc không đi vệ sinh trong giấc ngủ. Do đó nếu bạn ăn uống không đúng giờ, rối loạn giấc ngủ thì nguy cơ mắc các bệnh tại đường tiêu hóa đặc biệt là hội chứng ruột kích thích là rất cao.
Thuận nhịp thời gian tốt cho hệ tiêu hóa
Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bạn cần lưu ý có chế độ sinh hoạt hợp lý, đúng giờ giấc.
Không ăn trưa sau 13h
Đi vệ sinh vào buổi sáng từ 5h-7h vì sau ngủ dậy, áp suất trực tràng cao hơn ống hậu môn, cả cơ vòng hậu môn trong và ngoài đều giãn.
Không ăn sáng muộn sau 9h vì sau một đêm, sự tăng tiết amylase, nồng độ đường huyết giảm, khiến cơ thể không đủ năng lượng để hoạt động hiệu quả. Bữa sáng cần có tinh bột và đầy đủ các nhóm thực phẩm khác nhau.
Không dùng bữa trưa sau 13h để giúp cho các chất dinh dưỡng được tiêu hóa tốt nhất, dạ dày không rỗng lâu, giảm nồng độ axít tự do là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng, đầy và đau bụng vào buổi chiều tối.
Bữa tối không nên ăn sau 18h bởi sau thời gian này nhịp độ trao đổi chất và sản xuất dịch tiêu hóa trong dạ dày sẽ giảm, thức ăn lưu lại ở dạ dày kéo dài thời gian tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể và gây khó ngủ.
Ăn ngủ đúng giờ, đủ giấc giúp duy trì ổn định nhịp sinh học tiêu hóa của cơ thể, phòng ngừa các bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư,… Vì vậy để bảo vệ sức khỏe dài lâu, bạn cần lưu ý hoạt động thuận với nhịp của thời gian.