Cách phòng trĩ cho dân văn phòng

Do đặc thù công việc phải ngồi nhiều một chỗ, nên dân văn phòng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ.

Theo PGS – TS Nguyễn Mạnh Nhâm, Nguyên Chủ tịch Hội Hậu môn – Trực tràng học Việt Nam, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 30% – 50% dân số mắc bệnh trĩ, tỷ lệ là dân văn phòng chiếm khá lớn.

Tính chất công việc của dân văn phòng có thể đứng lâu hoặc ngồi lâu một chỗ, ít vận động nên gây áp lực lên tĩnh mạch trực tràng và dẫn đến táo bón, lâu dần hình thành bệnh trĩ. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như: ăn uống thiếu lành mạnh, nhiều thịt ít rau, uống quá nhiều rượu bia, chất kích thích…

Trĩ không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng nếu không chữa trị dứt điểm, kịp thời sẽ gây ra những bất tiện trong sinh hoạt, đau đớn và các biến chứng nguy hiểm: tắc mạch, nứt kẽ hậu môn, sa búi trĩ, chảy máu ồ ạt cấp tính,…

4 mẹo phòng tránh bệnh trĩ cho dân văn phòng cực hiệu quả:

Vận động ngay cả khi làm việc và ở nhà

suckhoe1-1430572554039

Mỗi tiếng nên đứng lên 5 đến 10 phút để vận động chân tay và vùng thắt lưng, có thể đi bộ một đoạn ngắn trong khu văn phòng. Tránh làm việc quá sức, có thể gây nên tình trạng stress, khiến cơ thể căng thẳng và gia tăng sức ép cho ruột.

Cho dù đang dở công việc hay khu vệ sinh có ở xa thì cũng không được nhịn đi đại tiện, nên tập thói quen đi vào một giờ nhất định trong ngày bằng cách xoa bụng vòng theo khung đại tràng, sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Khi đại tiện tránh ngồi lâu vì hậu môn mở trong thời gian dài sẽ làm giảm tốc độ lưu thông máu trong tĩnh mạch, có hại cho các cơ vòng ở trực tràng.

Việc mặc quần quá chật và bó cũng khiến mồ hôi không thoát ra được, cộng với sự cọ sát của các loại vải cứng cũng gây kích ứng đến hậu môn. Do đó, dân văn phòng nên chọn những loại quần rộng rãi, với chất vải mềm, thoáng mát.

Ăn uống lành mạnh

Cần ăn uống đầy đủ, đúng giờ, đúng bữa, tránh ăn uống qua loa khiến nhu động ruột hoạt động thất thường, thức ăn bị lắng đọng và khó tiêu hóa, lâu dần sẽ dẫn đến bệnh trĩ.

Nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh, nhiều chất xơ để giải nhiệt cơ thể và chống táo bón. Có thể chọn rau lang, rau dền, mướp, cà rốt, mồng tơi, diếp cá… và các loại trái cây giúp nhuận tràng như chuối, bưởi, đu đủ, cam, quýt… Ngoài ra, có thể sử dụng ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch, lúa mạch, bột mỳ chưa qua tinh chế. Tránh các loại đồ ăn nhanh, đồ xào rán nhiều dầu mỡ, các gia vị cay nóng như tỏi, ớt, hạt tiêu… vì sẽ khiến búi trĩ phát triển nhanh hơn.

Mỗi ngày cần bổ sung 2,5 lít nước để hỗ trợ dạ dày trao đổi chất và chống táo bón. Không uống nhiều nước đá vì sẽ làm máu lưu thông kém, gây bất lợi cho hệ tiêu hóa và hình thành bệnh trĩ.

Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá.

Tăng cường luyện tập thể dục thể thao

yoga3

Tập thể dục thể thao vừa giúp kiểm soát cân nặng, vừa tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón. Các môn thể thao phù hợp là: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, khí công dưỡng sinh, thái cực quyền… Tập nhảy dây cũng rất hiệu quả trong việc rèn luyện cơ bụng, hỗ trợ tiêu hóa.

Ngoài ra, có thể áp dụng một bài tập đơn giản vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ: Nằm ngửa, đặt gối ở thắt lưng, đệm cao phần hông. Nâng cao hai chân ở tư thế như ngồi xếp bằng tròn, không dùng lực và thả lỏng cơ hậu môn, duy trì tư thế này trong 2 – 3 phút. Với bài tập này, hông được đẩy cao hơn tim nên máu không ứ ở hậu môn trực tràng, cơ hậu môn được thả lỏng tạo điều kiện cho huyết dịch lưu thông tốt, hỗ trợ tiêu hóa và phòng tránh trĩ hiệu quả.

Chăm sóc sức khỏe cho hệ tiêu hóa

Thường xuyên bổ sung các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột từ các loại thực phẩm: sữa chua, sữa lên men, các loại men vi sinh có chứa thành phần lợi khuẩn sống là việc cực kỳ quan trọng, vì lợi khuẩn chính là chìa khóa giúp hệ tiêu hóa ổn định, phòng tránh táo bón, ngăn ngừa nguy cơ trĩ.

Hơn nữa , lợi khuẩn chính là hàng rào bảo vệ đường ruột, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể (vì theo các công trình nghiên cứu, có đến 75% kháng thể của cơ thể được sản xuất ở đường ruột nhờ lợi khuẩn).

Nguyễn Lê

Add Comment