Trào ngược dạ dày – thực quản là bệnh rất phổ biến ở các nước phương Tây và hiện đang có xu hướng tăng ở các nước châu Á – Thái Bình Dương. Những biến đổi về kinh tế – xã hội, thay đổi lối sống, chế độ ăn,… được cho là những yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Triệu chứng của bệnh?
Ợ chua là dấu hiệu đặc trưng của trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh có cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực, tình trạng này xảy ra sau bữa ăn hoặc lúc cúi mình về phía trước hay lúc nằm ngửa; đau nóng rát khu trú ở bụng trên vào ban đêm, nếu ngồi dậy hoặc nâng cao đầu thì đỡ. Khi uống các thuốc chống acid thì các triệu chứng trên có thuyên giảm.
Các biểu hiện về tai mũi họng: mất cảm giác ở họng; khi nuốt bị nghẹn hoặc vướng như có dị vật ở sau xương ức hay sau yết hầu; viêm họng hay tái phát; khản tiếng, sáng dậy khản đặc rồi hết nhanh…
Hình ảnh dạ dày bị trào ngược.
Các biểu hiện ở phổi: thường khó thở vào ban đêm do hít phải dịch vị acid vào phế quản, biểu hiện này tuy ít gặp nhưng nặng, đôi khi có cơn như hen suyễn.
Đau ngực: trào ngược thực quản là nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng đau ngực mà không phải do bệnh tim. Cơn đau xuất hiện sau bữa ăn hoặc vào ban đêm; kéo dài nhiều giờ, sau xương ức, không lan sang bên, có khi đau rõ rệt ở ngực do trào ngược chứ không phải chỉ là cảm giác nóng. Đau giống như cơn đau thắt ngực dễ lầm với bệnh lý động mạch vành. Tình trạng đau sẽ giảm sau khi uống thuốc chống acid; khởi phát của cơn đau có liên quan tới một đợt trào ngược dịch vị acid.. Triệu chứng ít gặp hơn là ợ từng đợt, nấc, thiếu máu nhược sắc do viêm thực quản chảy máu rỉ rả…
Điều trị thế nào?
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần dựa trên cơ sở bệnh sinh. Biểu hiện lâm sàng ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, có người có biểu hiện bệnh rõ ràng nhưng lại không có tổn thương thực thể, có người tuy không có triệu chứng nhưng lại có thực quản ngắn Barrett, hoặc hẹp. Trường hợp hay gặp là bệnh nhân có viêm trợt thực quản ở đoạn nối tâm vị – thực quản. Điều trị từng bước nhằm các mục tiêu: kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống; làm liền sẹo các tổn thương nếu có; kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng. Các biện pháp điều trị bao gồm: thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.
Điều trị nội khoa
Dùng các thuốc ức chế bơm proton (PPI): đây là xu hướng điều trị hiện nay được áp dụng ngay từ đầu bằng các thuốc này với liều chuẩn hàng ngày, trong 2 – 4 ngày đầu. Bệnh nhân thường thích ứng tốt, giảm triệu chứng nhanh, đa số ổn định lâu, liền sẹo loét.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp điều trị nội khoa không kết quả, có thể làm phẫu thuật, lắp một cái van dạ dày ở quanh phần thực quản thấp. Hiện nhiều bác sỹ sử dụng phương pháp “Nissen mềm” qua soi ổ bụng, nó cũng tương tự như phẫu thuật mở, đạt hiệu quả chống trào ngược 80 – 90%. Song phẫu thuật cũng có nguy cơ tử vong và cũng có tới 30% số người sau mổ có triệu chứng nặng nề như chướng hơi, nuốt khó, không ợ được.
Thay đổi lối sống
Trước hết, người bệnh cần thay đổi tư thế nằm (gối đầu cao khoảng 15cm hoặc kê vai cao 25cm); tránh tư thế cúi lâu, tránh nằm ngửa ngay sau bữa ăn và trong khoảng 3 giờ; ăn nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, không mặc quần áo chật, tránh thừa cân, béo phì…; hạn chế chất béo, tránh ăn sôcôla, tỏi, gia vị cay, cà ri, không uống rượu bia, hút thuốc lá…
Theo suckhoedoisong