Các vấn đề tiêu hóa hay gặp ở trẻ nhỏ

Theo thống kê, có tới 60% trẻ dưới 6 tháng tuổi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả là trẻ chậm lớn, hay quấy khóc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Rối loạn tiêu hóa là những biểu hiện không bình thường, xuất hiện trong quá trình nuôi trẻ, nguyên nhân là do thức ăn và cách thức cho ăn. Trẻ sinh thường, được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ bị ít các vấn đề liên quan đến tiêu hóa hơn bé được nuôi bằng sữa công thức. Các biểu hiện thường gặp: nôn trớ, đau quặn bụng, tiêu chảy, táo bón… Đa số là lành tính và giảm dần khi trẻ 1 tuổi, cũng có số ít có nguyên nhân thực thể cần chẩn đoán sớm.

Vì hệ tiêu hóa của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, tuy bộ máy tiêu hóa bắt đầu làm việc từ trước khi đứa trẻ chào đời nhưng trước 3 tháng tuổi, cơ thực quản, dạ dày còn yếu, mỏng nên trẻ cũng dễ bị nghẹn hoặc trớ nhất là khi ăn nhiều. Phương pháp chăm sóc con của nhiều gia đình không phù hợp với lứa tuổi cũng là lý do.

Các vấn đề tiêu hóa hay gặp ở trẻ nhỏ 1
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị các rối loạn tiêu hóa

Nôn trớ

Trớ là hiện tượng các chất trong dạ dày bị đẩy ngược qua miệng do tác động gắng sức của cơ thể. Khi trẻ ăn no, sữa trào ra khỏi miệng sau mỗi lần rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột.

75% tình trạng nôn trớ ở trẻ sẽ hết sau 1 tuổi, gọi là nôn trớ sinh lý. Lý do của hiện tượng này là sau khi sinh dạ dày trẻ còn nhỏ, nằm ngang nên thức ăn dễ trào ra. Chỉ một số ít trong số trẻ này có tổn thương thực tế.

Để hạn chế nôn trớ sinh lý ở trẻ, các mẹ cần lưu ý:

– Cho trẻ bú làm nhiều cữ trong ngày, không bú quá no, chuyển chế độ ăn từ từ.

– Cho trẻ bú đúng tư thế để tránh tình trạng trẻ vừa bú mẹ vừa bú hơi để tránh việctrẻ bú no hay bị nôn trớ.

– Khi trẻ bị nôn nên lưu ý tư thế giúp trẻ dễ chịu, nên đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng bên trái đầu hơi cao, để trẻ không bị sặc các chất nôn vào đường thở gây ngạt.

– Khi nôn xong, nên cho trẻ nằm nghỉ, lau mặt, miệng cho trẻ, thay áo, súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây nên, không cho trẻ tiếp tục uống sữa ngay.

Trong trường hợp bé bị nôn trớ cấp tính kèm theo sốt thì cần chú ý tới các bệnh đường tiêu hoá như nhiễm trùng dạ dày, ruột, ngộ độc thức ăn; viêm mũi, tai, viêm màng não… cần được đưa tới khám bác sĩ.

Tiêu chảy cấp

Đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày và kéo dài không quá 14 ngày được gọi là tiêu chảy cấp. Đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, có thể gây suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong do mất nước, muối.

Bé thường có các biểu hiện như: mệt mỏi, kém ăn, không chịu chơi, đột ngột nôn trớ, tiêu chảy phân lỏng nhiều lần trong ngày,…

Táo bón

Đây là một trong những triệu chứng phổ biến thường gặp, biểu hiện là trẻ đi ngoài không thường xuyên, 2-3 ngày mới đi một lần; phân đóng khuôn, khô cứng; bụng bị cứng và có cảm giác đau, muốn đi đại tiện mà không đi được… Hậu quả là trẻ chậm lớn, biếng ăn, đau bụng hay nôn trớ và quấy khóc.

Cần phân biệt với trẻ ăn ít, 3-4 ngày mới đi cầu nhưng phân mềm. Lý do là bé ăn chưa đủ số lượng; sữa pha quá đặc; mẹ bị táo bón cho con bú; bé ăn ít chất xơ. Ngoài ra cũng có trường hợp bé bị táo bón là do yếu tố tâm lý, thường gặp ở độ tuổi mẫu giáo, bé ngại xin phép hoặc sợ bẩn không muốn đi đại tiện. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho có codein,… cũng gây ra táo bón.

Cách xử lý:

– Cho trẻ uống nhiều nước.

– Ăn nhiều rau xanh và quả chín

– Chọn loại sữa không gây táo bón

– Nếu mẹ bị táo bón khi nuôi con bú thì phải điều trị kịp thời, cách tốt nhất là điều chỉnh chế độ ăn của mẹ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho bé tăng cường vận động, massage bụng cho bé cho bé, tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, trẻ nhỏ thì xi hoặc cho trẻ ngồi vào bô vào một giờ nhất định.

Nếu trẻ bị táo bón kéo dài trên 1 tuần, thay đổi chế độ ăn mà không cải thiện được tình trạng, táo bón ngay sau khi sinh; kém ăn, gầy sút cân… thì cần cho trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.

Theo kienthucykhoa

Add Comment