Có rất nhiều các loại thuốc trị bệnh đường tiêu hóa, mỗi loại có tác dụng với các triệu chứng bệnh khác nhau. Người mắc bệnh đường tiêu hóa cần phải biết để sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh.
Thuốc chống nôn
Tất cả các loại thuốc làm ngừng, cắt phản xạ nôn được gọi là thuốc chống nôn. Dựa vào vị trí tác động, thuốc được chia thành 2 loại: loại ức chế trung tâm nôn ở hệ thần kinh trung ương và loại chống nôn ngoại vi.
Thuốc chống nôn ức chế trung tâm nôn ở hệ thần kinh trung ương: là loại có tác dụng mạnh, ức chế cảm thể serotonin làm mất khả năng hoạt hóa của trung tâm chống nôn. Thuốc tồn tại ở cả dạng viên và dạng tiêm. Tùy thuộc vào mức độ bệnh đường tiêu hóa nặng hay nhẹ mà lựa chọn dạng phù hợp.
Thuốc chống nôn ngoại vi: là các loại thuốc ức chế thụ cảm dopamin ngoại vi ở thành dạ dày, ruột, có tác dụng yếu hơn thuốc chống nôn trung ương.
Với các trường hợp nôn vừa dùng thuốc chống nôn ngoại vi trong 2 ngày mà cơn nôn không giảm, cần phải xem xét có quyết định chuyển sang sạng chống nôn trung ương hay không.
Người bệnh cần đặc biệt chú ý khi sử dụng thuốc chống nôn. Không biết nguyên nhân mà sử dụng không hợp lý là rất nguy hiểm, bởi thuốc sẽ xóa bỏ hết triệu chứng nôn trước khi kịp tìm ra nguyên nhân của bệnh đường tiêu hóa.
Cần hiểu rõ về các loại thuốc trị bệnh đường tiêu hóa để sử dụng đúng và an toàn
Thuốc chống co thắt cơ trơn
Cơ trơn chính là những cơ bố trí ở thành ống tiêu hóa. Triệu chứng bệnh đường tiêu hóa đau quặn bụng là do sự co thắt của cơ trơn.
Có hai nhóm thuốc chống cơ trơn: nhóm chống giãn cơ trực tiếp và nhóm kháng hệ thần kinh chỉ huy co thắt.
Nhóm thuốc làm giãn cơ trực tiếp: tác động trực tiếp vào nội tại cơ, ức chế làm cơ không phân hủy ATP tạo năng lượng cho co cơ từ đó làm chúng ngừng co thắt.
Nhóm thuốc tác động theo cơ chế thần kinh: tác động vào cơ thế thần kinh chỉ huy làm cắt phản xạ điều phối cơ trơn co thắt. Nhóm thuốc này có tác dụng rất nhanh, gần như ngay lập tức cắt đứt cơn co thắt. Nhưng nhược điểm là không thể sử dụng kéo dài bởi chúng có thể gây phản ứng phụ lên hệ tim mạch và hô hấp.
Thuốc chống co thắt cơ trơn cần được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Thuốc giảm tiết dịch đường tiêu hóa
Theo phản xạ tiết dịch, thuốc giảm tiết dịch đường tiêu hóa gồm 2 nhóm: nhóm thuốc ức chế thụ cảm thể và nhóm thuốc ức chế bơm proton.
Thuốc giảm tiết ức chế thụ cảm: có thể hiểu đơn giản là nhóm thuốc làm mất phản xạ tiết dịch ngay từ khâu đầu tiên (khâu thụ cảm thể). Cần sử dụng đủ liều, đủ liệu trình, nếu không có thể làm phản xạ tiết dịch mạnh hơn. Thuốc thường dùng 2-3 lần/ngày.
Thuốc giảm tiết ức chế bơm proton: là nhóm ức chế khâu cuối cùng trong việc tiết ra dịch tiêu hóa từ bơm proton. Nhóm này thường chỉ cần dùng 1 lần/ngày trước khi dịch được tiết ra nhiều.
Hiện nay do thói quen sử dụng mà nhiều người nghĩ rằng thuốc này là thuốc giảm tiết dịch dạ dày, tuy nhiên thực tế nó làm giảm tiết dịch toàn bộ đường tiêu hóa và được sử dụng để chữa nhiều bệnh đường tiêu hóa khác.
Thuốc cầm tiêu chảy
Cơ chế tác động của thuốc là làm giảm lượng nước ở trong phân để giảm thể tích phân, giảm cơ bóp của đường ruột, từ đó sẽ làm giảm số lần đại tiện.
Thuốc cầm tiêu chảy cũng có hai nhóm: nhóm tác động và thụ cảm thể opiat ở thành ruột và nhóm hấp thụ và bao phủ bề mặt.
Thuốc tác động vào thụ cảm thể opiat ở thành ruột: làm giảm nhu động ruột do đó làm giảm khả năng tống phân ra ngoài. Thuốc tác động qua cơ chế thần kinh nên có công hiệu rất nhanh và mạnh. Nhưng điều này có thể gây ra nguy hiểm do chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa nhầm. Mặt khác nếu dùng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh trung ương.
Thuốc hấp thụ và bao phủ bề mặt: nguyên lý hoạt động là che phủ bề mặt ruột hoặc thấm hút hết nước trong phân làm phân đặc hơn và giảm thể tích. Thuốc không có tác dụng phụ nhưng hiệu quả không cao.
Với những trường hợp tiêu chảy do vi rút và vi khuẩn, dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm triệu chứng trong ngày đầu, các ngày tiếp theo lại tái phát thậm chí là nặng hơn.
Lưu ý: Không nên sử dụng thuốc cầm tiêu chảy một cách vô tội vạ mà cần phải xác định rõ nguyên nhân và sử dụng kết hợp với thuốc điều trị nguyên nhân bệnh đường tiêu hóa. Khi bị tiêu chảy, nên để đường ruột thải bớt chất độc ra ngoài trong 1 – 2 lần đi tiêu đầu tiên rồi mới sử dụng thuốc.
BS. Cao Phúc Hưng