Bệnh trĩ là bệnh có thể chữa khỏi nhưng có đôi lúc gây phiền toái rất lớn trong cuộc sống hàng ngày. Để phòng bệnh, bạn cần tập một số thói quen tốt cho quá trình tiêu hóa, tránh gây áp lực quá mức lên phần khoang bụng.
Nguyên nhân của bệnh trĩ là do sự phình dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Khi tĩnh mạch hậu môn hoạt động kém, máu khi qua đây sẽ không lưu thông được, ứ đọng làm cho tĩnh mạch bị dãn, phình ra.
Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại:
Trĩ nội là khi các búi trĩ chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa.
Trĩ ngoại là khi các búi trĩ sa hẳn ra ngoài, mạch bị tắc gây phù nề và nghẹt không tụt trở lại trong lòng hậu môn được nữa, kèm theo triệu chứng nứt hậu môn và rất đau mỗi khi đại tiện. Người mắc bệnh này thường gặp nhiều trở ngại tới cuôc sống hàng ngày, người bệnh không dám ăn uống vì sợ phải đại tiện nhiều lần. Một số trường hợp nặng do chảy máu nhiều sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu.
Ngồi một chỗ quá lâu, lười đi lại cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ.
Triệu chứng chính
– Chảy máu: đây là triệu chứng xuất hiện sớm và phổ biến nhất. Lúc đầu máu chảy ít, bệnh nhân chỉ phát hiện khi nhìn vào giấy chùi sau khi đi vệ sinh hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ.
Về sau mỗi khi đi đại tiện phải rặn nhiều hơn do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Khi tình trạng bệnh nặng hơn thì mỗi lần đi vệ sinh, mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy, có khi máu chảy rất nhiều khiên bệnh nhân phải vào cấp cứu. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi vón thành cục sau đó theo phân ra ngoài.
– Sa búi trĩ: Thường xảy ra sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu. Lúc đầu, mỗi khi đại tiện thì thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng lâu ngày, khối đó to lên dần và không tự co vào được sau khi đi đại tiện nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng, khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
Ngoài 2 triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi vệ sinh, ngứa quanh lỗ hậu môn. Bình thường trĩ không gây đau, cảm giác đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn… Cảm giác ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên và tiết dịch gây viêm da vùng hậu môn làm cho bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng ướt và ngứa.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ nhưng chủ yếu là do táo bón lâu ngày, bệnh lỵ, nóng trong người do ăn uống nhiều các chất cay nóng, tăng áp lực ổ bụng do lao động, tư thế sai, sinh hoạt…
– Táo bón lâu ngày: Những trường hợp này mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn sẽ tăng lên gấp 10 lần so với việc đi cầu bình thường.
– Bệnh lỵ: Khi bị bệnh lỵ, bệnh nhân phải đi đại tiện nhiều lần trong ngày, và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều nên cũng làm tăng áp lực trong ổ bụng.
– Tăng áp lực ổ bụng: Người bị viêm phế quản mạn tính, dãn phế quản, thường ho nhiều, những người làm lao động nặng như khuân vác… làm tăng áp lực trong ổ bụng, cũng dễ khiến bệnh trĩ xuất hiện.
– Tư thế: Bệnh trĩ thường gặp ở những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động, đi lại.
Phòng ngừa bệnh trĩ
– Tập thói quen đi đại tiện đều đặn hàng ngày, không đứng hoặc ngồi quá lâu, hạn chế những công việc nặng nhọc, tránh động tác mạnh làm cho áp lực trong khoang bụng tăng lên đột ngột. Dùng giấy vệ sinh mềm, sạch, hoặc dùng các loại xà phòng có nồng độ acid thấp để làm sạch vùng hậu môn.
– Điều chỉnh thói quen ăn uống: Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu, trà đậm, thuốc lá… và các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu, cà ri, gừng, riềng…
Hạn chế ăn các gia vị, thức ăn cay, nóng.
Tăng cường ăn rau, củ, trái cây để bổ sung chất xơ chống táo bón. Nên ăn thức ăn dạng luộc chín, nấu canh, hấp, hạn chế chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc nướng gây khó khăn cho tiêu hóa.
Hạn chế ăn mặn, vì đồ ăn nhiều muối sẽ làm cơ thể có khuynh hướng giữ lại nước, khiến các tế bào và mạch máu trương căng ra, làm triệu chứng trĩ nặng hơn.
Theo vnexpress