Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa do lạnh

Rối loạn tiêu hóa là một trong những căn bệnh thường gặp tại đường tiêu hóa, có thể xuất hiện ở mọi đối tượng và gây ra các triệu chứng vô cùng khó chịu như đau bụng, sốt, biếng ăn, trướng bụng, đầy hơi. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh, do đó khi mắc rối loạn tiêu hóa cần có biện pháp điều trị kịp thời và đúng đắn.

Rối loạn tiêu hóa là một trong những căn bệnh thường gặp tại đường tiêu hóa

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiêu hóa như chế độ ăn uống quá nhiều chất béo, đạm và đường, do ăn uống kém vệ sinh, do nhiễm lạnh hoặc nhiễm khuẩn. Người bệnh rối loạn tiêu hóa nhẹ có thể sử dụng một số bài thuốc Đông y để giảm bớt triệu chứng, cải thiện tình trạng bệnh.

6 bài thuốc Đông y trị rối loạn tiêu hóa do lạnh.

Bài 1: 100g nụ sim hay búp ổi sao, 50g vỏ rụt thái mỏng sao, 50g củ riềng. Đem các vị thuốc trên sao giòn, tán nhỏ, rây, cho vào lọ kín. Mỗi lần sử dụng với liều lượng: người lớn 6 – 8g/lần; trẻ em tùy theo tuổi: 2 – 5g, hòa tan với nước sôi để nguội.

Bài 2: 15g hoắc hương, 10g tô diệp, 8g thương truật, 3g cam thảo, 5g trần bì, 4 quả đại táo, 3g hậu phác, 6g phục linh. Các vị đem sấy, sao giòn, tán nhỏ sau đó đóng gói khoảng 8 – 10g/gói. Mỗi ngày người lớn uống 2 – 5 gói, trẻ em từ 2 – 3 tuổi uống 1/4 gói/ lần; từ 4 – 7 tuổi uống 1/3 gói/lần; từ 8 – 10 tuổi uống 1/2 gói/lần. Không sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Bài 3: 200g hoắc hương khô, 400g vỏ rụt, 160g thảo quả, 400g hậu phác, 160g hạt cau rừng, 160g trần bì. Ngâm vỏ rụt với nước gạo rồi cạo bỏ vỏ ngoài; hậu phác tẩm nước gừng sao; thảo quả bỏ vỏ. Tất cả đem phơi khô hoặc sấy khô sau đó tán bột mịn, luyện với hồ thành viên to bằng hạt đậu đen, cho vào lọ kín. Trẻ em 2 – 5 tuổi uống 3 – 5 viên/lần; 6 – 10 tuổi uống 6 – 10 viên/lần; 10 – 15 tuổi uống 15 viên/lần. Người lớn uống 20 – 30 viên/lần. Mỗi ngày uống 3 lần với nước sôi để nguôi. Khi dùng thuốc kiêng các loại thức ăn có mỡ, đồ tanh, khó tiêu và nên ăn cháo loãng.

Bài 4: 200g hoắc hương khô, 100g cam thảo, 160g vỏ vối, 200g đại hồi, 80g trần bì lâu năm, 160g vỏ rụt khô, 200g sa nhân, 160g riềng già khô. Đem sao lại cho khô, tán nhỏ, rây lấy bột mịn, luyện với hồ thành viên bằng hạt đậu đen. Rồi phơi hoặc sấy khô và đóng vào lọ kín để bảo quản. Liều dùng: 5 – 10 tuổi dùng 10 viên/lần; 10 – 15 tuổi dùng 20 viên/lần; người lớn dùng 30 viên/lần. Ngày uống 2 lần với nước nóng hay nước chè nóng. Nên ăn cháo loãng. Kiêng ăn thức ăn sống lạnh.

Bài 5: 30g củ sả, 20g vỏ quýt, 10g hương phụ, 40g búp ổi. Sao giòn, tán bột mịn, bảo quản trong lọ kín. Bài thuốc này được dùng để chữa đau bụng, tiêu chảy thể hàn. Người lớn 1 – 2 thìa cà phê/lần; Trẻ em 1/2 thìa cà phê/lần. Uống với nước nóng.

Bài 6: 40g gừng già nướng cháy, 8g quế chi, 20g hoắc hương, 12g đại hồi. Sắc các vị thuốc, uống khi thuốc còn ấm. Không dùng cho phụ nữ có thai.

Kết hợp châm cứu hoặc xoa bóp các huyệt: thiên khu, trung quản, khí hải, túc tam lý, hợp cốc, đại trường du

Add Comment