Ăn gì khi bị hội chứng ruột kích thích?

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Việc ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng trong việc điều trị.

Những người mắc bệnh HCRKT dễ tăng nhu động ruột và các biểu hiện khó chịu của bệnh tái đi tái lại và kéo dài nhiều năm. Vì vậy, để sống chung cùng HCRKT mà không bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, người bệnh cần biết những thực phẩm nên và không nên ăn.

Ăn gì khi bị hội chứng ruột kích thích Người bị HCRKT không nên ăn các loại quả chua và chát

Tăng cường ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ

Chế độ ăn giàu chất xơ làm giảm các biểu hiện ở một số người, đặc biệt là những người bị táo bón. Ăn nhiều chất xơ và tăng lượng dịch uống vào sẽ giúp cải thiện biểu hiện táo bón. Chất xơ có nhiều trong một số thực phẩm: bột ngô, rau xanh, trái cây, cám gạo, gạo lứt, trong đó cám gạo hay được khuyên dùng nhất. Một số người cũng giảm tiêu chảy khi dùng cám gạo, tuy nhiên một số khác lại thấy cải thiện hơn nếu áp dụng chế độ ăn ít chất xơ, chính vì vậy cần phải điều chỉnh phù hợp với từng người.

Lưu ý: khi ăn ăn phải ăn chậm, nhai kỹ để hạn chế nuốt nhiều khí  nhằm tránh giảm đầy bụng, chướng hơi, giảm sự căng giãn đột ngột ống tiêu hóa, hạn chế kích kích co bóp của ruột nên giảm số lần đi ngoài và giảm đau.

Những thực phẩm nên hạn chế

Chất béo động vật:  Các đồ ăn nhiều chất béo động vật sẽ khiến ruột co thắt nhiều hơn gây đau hoặc cảm giác khó chịu vùng bụng. Nên thay bằng chất béo không bão hòa từ các loại dầu ăn có nguồn gốc thực vật để chế biến món ăn. Tránh các loại đồ ăn công nghiệp, đồ ăn nhanh: xúc xích, thịt hun khói, pizza, patê, các thực phẩm nhiều chất béo: bánh quy, phomai, mayonnaise. Hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, béo ngấy.

Đường: Ăn nhiều các thực phẩm có nhiều đường có thể gây táo bón, tiêu chảy hoặc đầy hơi. Vì vậy, cần tránh các loại mứt, bánh kẹo, sirô, trái cây ngọt hoặc nước trái cây có nhiều đường.

Sản phẩm sữa: Sữa có nhiều chất béo, nhiều đường nên khó tiêu hóa. Sữa, bánh kem và các loại kem tuy có chứa đường tự nhiên, nhưng trong quá trình tiêu hóa có thể gây tiêu chảy, đau quặn bụng hoặc táo bón.

Một số loại rau: Có nhiều chất xơ cứng, còn gọi là chất xơ không hòa tan có thể gây ra chứng đầy hơi như cải bắp, hành, súp lơ xanh.

Hoa quả nhiều axit: Các loại quả có vị chua như: chanh, nhót, dứa xanh, xoài xanh, cóc, táo chua, mận, khế chua.

Các chất kích thích: Rượu, nước uống có gas, cà phê, các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu làm kích thích lớp niêm mạc ruột gây ra các biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy.

Bữa ăn quá nhiều dinh dưỡng: Những bữa ăn thịnh soạn có chứa quá nhiều chất dinh dưỡng gây quá tải cho hệ tiêu hóa gây khó tiêu, làm đau bụng và tiêu chảy.

Những thức ăn nhạy cảm: Một số người có tiền sử  dị ứng với một số thực phẩm, thì nên hạn chế hoặc tuyệt đối không nên ăn.

Chế độ sinh hoạt

Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng hoặc một thời gian thích hợp, xoa bóp bụng trước khi đi ngoài.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thư giãn, tập thể dục, đi bộ, tránh căng thẳng thần kinh ít nhiều cải thiện các biểu hiện.

BS. Yến Ngọc

Để hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến bệnh hoặc để nhận được các lời khuyên về bệnh tiêu hóa từ Bác sĩ, bạn vui lòng đăng ký tại đây

Add Comment