Đây là thắc mắc của khá nhiều người: tại sao mỗi khi ăn xong một lúc lại có cảm giác muốn đi ngoài. Hiện tượng này là bình thường hay là dấu hiệu của bệnh gì?
Bình thường …
Trên thực tế, ngay sau khi bạn ăn, máu sẽ được đồn đến hệ tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn nên nhu động ruột sẽ tăng làm đại tràng co bóp mạnh để đẩy khối thức ăn có trong đường ruột ra ngoài, nên bạn có cảm giác muốn đi ngoài là điều dễ hiểu. Vì vậy, nếu bạn có thói quen đi ngoài ngay sau khi ăn nhưng hình thái phân bình thường, không rắn, không lỏng, không nát và đi ngoài không quá hai lần một ngày thì bạn không cần lo lắng vì đây chính là “nhịp sinh học” tự nhiên của cơ thể.
Và không bình thường …
Khi bạn đi ngoài nhiều hơn hai lần trong ngày, hình thái phân không bình thường (phân bị nát, dẹt hoặc lỏng, không thành khuôn) và có cảm giác không kiềm chế được, phải đi ngoài ngay sau khi ăn xong thì mới thấy dễ chịu, khi đó, bạn nghĩ tới dấu hiệu của bệnh lý trên đường ruột, một bệnh ngày càng có nhiều người mắc phải đó là Hội chứng ruột kích thích (IBS) hay còn gọi là Đại tràng co thắt.
Ở người có thể trạng bình thường, bữa ăn chỉ làm nhu động đại tràng tăng ngưỡng 500 rồi giảm dần thì ở người bị ruột kích thích, ngay trong lúc ăn, nhu động đại tràng đã tăng mạnh lên gấp 3 lần ngưỡng bình thường (khoảng trên 1500), và giảm rất chậm trong vòng 1 giờ sau bữa ăn. Vì thế, những người này hay gặp hiện tượng đi ngoài sau khi ăn nhưng phân không thành khuôn, dễ bị đi phân sống vì thời gian thức ăn ở lại trong ruột quá ngắn, chưa đủ để hút hết nước và chất dinh dưỡng vào lòng ruột đã bị thải ra ngoài.
Bệnh chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thần kinh!
IBS là bệnh được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, với tỉ lệ mắc ngày một gia tăng. Đặc biệt, bệnh này bị chịu tác động bởi yếu tố thần kinh nên mỗi khi bạn lo lắng, căng thẳng, mất ngủ… bạn sẽ thấy các triệu chứng trên bị tăng nặng hoặc tái phát trở lại.
Lo lắng, căng thẳng khiến bệnh dễ tái phát
Vì đây là bệnh mà chưa có nhiều người biết tới nên nếu không để ý kỹ, người bệnh sẽ rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đại tràng bởi hai bệnh này có những triệu chứng khá là giống nhau. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người bệnh bị đại tràng co thắt lại cứ nghĩ mình bị viêm đại tràng, vì thế, việc chữa bệnh phải kéo dài lâu mà không khỏi và liên tục bị tái phát, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, chán nản cho người bệnh.
Hiện nay, việc điều trị đại tràng co thắt khá phức tạp bởi phải kết hợp cả liệu trình làm giảm co thắt đại tràng, cả thuốc ổn định hệ tiêu hóa làm giảm triệu chứng đồng thời cả thuốc an thần (vì bệnh còn liên quan nhiều đến thần kinh, yếu tố tâm lý). Chính vì thế, người bệnh phải uống nhiều thuốc một lúc. Hơn nữa, vì ở nước ta, đa số mọi người đều không chú trọng điều trị ngay khi mới mắc (thường ở tuổi 25-30) mà đến khi bệnh đã nặng (ở tuổi 50-59) thì lại càng khó chữa khỏi dứt điểm.
Theo alobacsi