Theo các bác sĩ, việc phụ huynh cho con sử dụng “vô tội vạ” men tiêu hóa mà không có chỉ định của nhân viên y tế sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài và khó lường đối với sự phát triển của trẻ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng men tiêu hóa một cách bừa bãi, tránh gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Hại con vì men tiêu hóa
Sau đợt sốt kéo dài, con gái chị Trần Thị Lụa (ở Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) trở nên lười ăn hơn. Chị Lụa càng cố đút cho con ăn, cô bé càng giãy nảy và nôn hết ra. Xót con gầy gò, xanh xao, chị Lụa mua ngay hộp men tiêu hóa về cho con dùng với hi vọng con sẽ ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, sau cả tuần ép con uống men, tình trạng biếng ăn của cô bé không những không cải thiện mà còn xuất hiện thêm bị tiêu chảy mức nặng. Cuối cùng, vợ chồng chị phải ôm con đến viện để điều trị.
Tương tự, thấy cậu con trai 15 tháng tuổi ăn uống không ngon miệng, hay bị nôn trớ trong bữa ăn và chỉ “giậm chân tại chỗ” ở ngưỡng 10kg, thấp bé hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa, chị Thu Loan (quê Hà Nam) quyết định cho con dùng men tiêu hóa sau khi nghe quảng cáo về một loại men có tác dụng giúp trẻ có “hứng thú” hơn với các món ăn. Theo lời chị Loan, thời gian đầu dùng men, quả thực, con chị ăn ngon miệng hẳn khiến vợ chồng chị rất mừng. Tuy nhiên, sau khi dùng hết 2 hộp men tiêu hóa và thử “cắt” việc dùng men, con chị lại “đâu vào đấy”, quay lại lười ăn y như trước. Lúc này, vợ chồng chị mới tá hỏa đưa con đi khám dinh dưỡng thì được biết, cơ thể cậu bé đã bị phụ thuộc vào men tiêu hóa quá nhiều nên sinh ra “lười” tiết men nội sinh. Điều này rất có hại cho sức khỏe của con sau này.
Theo ThS.BS Lương Văn Chương, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội): Khi thấy trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy hay kém hấp thu, bố mẹ thường cho con uống các loại men tiêu hóa. Thế nhưng, đôi khi chính các bậc phụ huynh lại không hiểu rõ về các loại men cũng như tác dụng thực sự của nó ra sao.
Cũng theo BS Lương Văn Chương, men tiêu hóa (enzym) là những chất do chính các tuyến tiêu hóa của con người tiết ra giúp tiêu hóa thức ăn. Ví dụ, khi nhai thức ăn trong miệng, tuyến nước bọt sẽ tiết ra men đầu tiên là Amylaza, có tác dụng phân hủy tinh bột để thành đường Glucoza (do đó, khi chúng ta nhai cơm lâu sẽ thấy có vị ngọt). Tiếp theo có rất nhiều men tiêu hóa khác được tiết ra như: Tụy tiết ra Lipaza để tiêu mỡ, Trysin tiêu đạm…Trong một số trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm, dùng kháng sinh kéo dài hay cơ thể mệt mỏi sau ốm dẫn đến việc tiết các men tiêu hóa bị hạn chế gây thiếu men, bố mẹ có thể bổ sung thêm men tiêu hóa cho trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng loại men nào và liều lượng dùng ra sao cần được sự chỉ định của bác sĩ.
Không ít trường hợp vì thấy con biếng ăn, kém hấp thu, nhiều bà mẹ đã tự ý mua men tiêu hóa về cho con uống để kích thích sự thèm ăn và giúp trẻ có thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn (?!). Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ dùng men trong một thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Theo BS Lương Văn Chương, nếu lạm dụng và dùng kéo dài men tiêu hóa sẽ gây tác dụng ngược lại, khiến các tuyến tiêu hóa bên trong cơ thể “lười” tiết ra men mà phụ thuộc hoàn toàn vào men tiêu hóa cung cấp từ bên ngoài vào. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của trẻ.
Để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Theo các bác sĩ, hệ tiêu hóa là nơi cung cấp toàn bộ năng lượng cho cơ thể hoạt động với 4 chức năng chính là: Tiêu hóa, hấp thu, bài tiết và chống độc. Lứa tuổi càng nhỏ, hê tiêu hóa chưa trưởng thành thì những rối loạn tiêu hóa lại càng dễ xảy ra. Khi hệ tiêu hóa “có vấn đề”, trẻ sẽ ăn kém, hấp thu kém hoặc không đào thải được các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ ở thời điểm đó và cả sau này. Trên thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa thì sự phát triển về thể chất và cả tinh thần đều bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch và dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
Để giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh, các chuyên gia khuyến cáo, người mẹ nên ăn uống đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng ngay từ khi mang thai, tránh tiếp xúc khói thuốc lá để trẻ có sự phát triển toàn diện ngay trong bụng mẹ; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng đầu đời và sau đó tiếp tục đến 2 tuổi. Với những trẻ ở độ tuổi ăn dặm (từ 6 tháng trở lên), bố mẹ nên cho trẻ ăn cách loại thức ăn mềm (bột, cháo, hoa quả nghiền…) sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động nhẹ nhàng, tiêu thụ thức ăn dễ dàng hơn. Những thực phẩm giàu chất xơ cũng sẽ giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa, hạn chế chứng táo bón, ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy cho trẻ.
Bên cạnh đó, khi chế biến thức ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (6 tháng/lần) nhằm giảm những tác hại do nhiễm giun gây ra. Ngoài ra, bố mẹ có thể cho trẻ đi tiêm các loại vaccine phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột để bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách tốt nhất.
Đối với những trẻ có chỉ định dùng men tiêu hóa, cần tuyệt đối tuân thủ liều lượng và thời gian dùng. Tốt nhất, không nên kéo dài thời gian dùng men quá 15 ngày. Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống men tiêu hóa, vì ở độ tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định, dễ dẫn đến tiêu chảy nếu dùng không đúng cách, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ về sau.
Ngoài ra, bố mẹ không nên quá tin tưởng vào các loại thuốc hay thảo dược của các “lang vườn” được quảng cáo có thể giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon, chữa được rối loạn tiêu hóa. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp phải cấp cứu sau dùng do bị dị ứng, có trường hợp bị viêm gan cấp. Bởi hầu hết các loại thuốc nào khi vào cơ thể cũng phải qua đường tiêu hóa. Đây là cửa ngõ của dinh dưỡng và cũng là cửa ngõ xâm nhập của các vi khuẩn, virus và chất độc hóa học. Vì vậy, khi có ý định dùng thuốc, cần lưu ý đọc kỹ hướng dẫn và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Theo giadinh.net