Những cảm xúc của bạn có một vai trò lớn trong chứng táo bón, cụ thể khi bạn bị stress sẽ chi phối chứng táo bón một cách rõ nét.
Vì sao stress có thể gây táo bón?
Do hệ tiêu hóa không thuộc chức năng ưu tiên: Cơ thể của bạn bắt đầu kích hoạt các chức năng ưu tiên khi bạn bị stress, các chức năng ưu tiên như chức năng tuần hoàn, thần kinh và nội tiết để đối mặt và kiểm soát stress hiệu quả nhất nhằm bảo vệ cơ thể. Trong trường hợp này, tiêu hóa không phải là chức năng ưu tiên. Do đó, hệ thống tiêu hóa của bạn hoạt động chậm lại và cuối cùng sẽ gây ra táo bón.
Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột: Vi khuẩn “có lợi” trong đường ruột của bạn cũng trở nên mất ổn định khi bạn đang cảm thấy lo lắng và stress, điều này mang lại cơ hội cho vi khuẩn “không có lợi” trong đường ruột phát triển. Tình trạng mất cân bằng này gây ra khó tiêu và kết thúc với chứng táo bón.
Do rối loạn hành vi, thói quen: Khi liên tục bị stress sẽ làm thay đổi lối sống của bạn. Bạn sẽ vận động ít, uống ít nước và có thói quen ăn thực phẩm không lành mạnh. Tất cả những thay đổi này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tiêu hóa của bạn và gây táo bón sau một thời gian bị stress.
Làm thế nào để giảm stress?
Táo bón có thể rất khó chịu và khi không được điều trị, nó có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như trĩ, sa ruột, phình đại trực tràng và suy dinh dưỡng. Khi stress và táo bón được liên kết với nhau sẽ tạo thành một “vòng bệnh lý luẩn quẩn”, điều quan trọng là phải thực hiện các bước để quản lý stress giúp hạn chế táo bón. Dưới đây là một số cách giúp bạn quản lý stress tốt hơn.
Nhận biết các nguyên nhân của stress: Hiểu biết những gì làm cho bạn cảm thấy stress là rất quan trọng để xác định điều trị tốt nhất. Hãy dành thời gian và suy nghĩ về những điều khiến bạn cảm thấy lo lắng và stress. Hãy chú thích và liệt kê tất cả mọi thứ có thể dẫn đến stress. Điều này sẽ đặt bạn ở một vị trí tốt hơn để quyết định chính xác làm thế nào để giữ cho stress của bạn trong tầm kiểm soát.
Thiền: Thiền định hàng ngày sẽ giúp giảm bớt sự lo lắng bằng cách điều hòa hoạt động thần kinh của não. Điều này cũng giúp bạn trở nên kiên cường hơn để chống lại stress, do đó sẽ giúp giải quyết tận gốc vấn đề táo bón.
Tập hít thở sâu: Dù bạn đang bận rộn công việc, chỉ cần nghỉ ngơi 5 phút và tập trung vào hơi thở của bạn sẽ đem lại một kết quả kỳ diệu để giảm stress.
Massage: Hãy quấn khăn nóng ấm trên vai và cổ của bạn. Tập trung vào thư giãn cổ, mặt, lưng và cơ ngực trên. Duy trì sau 10 phút và lấy khăn ra. Bây giờ, lấy một quả bóng tennis và đặt nó giữa lưng của bạn và một bức tường. Từ từ áp lưng vào bóng tạo một áp lực nhẹ nhàng trên lưng của bạn trong 15 giây. Sau đó, di chuyển bóng giữa lưng và bức tường ở nhiều hướng và lặp lại nhiều lần như vậy để tạo hiệu ứng massage lên các vùng lưng của bạn, có thể làm giảm stress hiệu quả.
Thưởng thức âm nhạc: Lắng nghe âm nhạc bạn yêu thích sẽ giúp giảm bớt bệnh tim, ổn định huyết áp và giảm lo lắng. Nghe nhạc yêu thích có thể giúp xả hơi và thư giãn tâm trí.
Tích cực hoạt động: Duy trì hoạt động giúp giải phóng năng lượng tiêu hao và giúp cơ thể tăng cường sản xuất các chất hóa học thần kinh nội tiết trong não, làm hưng phấn và giảm đau cho cơ thể. Tập yoga hoặc đi bộ một đoạn ngắn trong 10 phút sẽ tạo ra các cảm xúc tích cực. Làm một số bài tập thể dục kéo giãn cơ cũng có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn.
Thưởng thức trà thảo dược: Bạn có thể thử một số loại trà thảo dược hoặc chỉ đơn giản là kết hợp các loại thảo mộc giúp giảm stress, sự tức giận, mất ngủ và lo lắng. Một số loại trà thảo dược có kết quả tuyệt vời cho cả stress và táo bón.
Các biện pháp bổ sung để chống táo bón
Dựa trên mối liên hệ giữa stress và táo bón, bạn có thể chữa táo bón bằng cách giảm stress. Tuy nhiên, nếu việc giảm stress không đạt hiệu quả, dưới đây là một vài đề xuất bổ sung để điều trị táo bón:
Uống nhiều nước: Bạn nên uống ít nhất 8 ly nước lọc hoặc đồ uống khác không chứa caffeine cho mỗi ngày. Tránh các đồ uống chứa caffeine và rượu.
Tiêu thụ rau tươi và trái cây: Bạn cần tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống để cải thiện chức năng hệ thống tiêu hóa. Rau tươi và trái cây sẽ giúp bạn làm được điều này.
Hãy thử dùng thuốc nhuận tràng: Bạn có thể thử dùng thuốc nhuận tràng có tác dụng thẩm thấu hoặc bạn có thể lựa chọn các thuốc chứa đường không hấp thu như sorbitol để tăng lượng chất lỏng trong ruột, giúp làm cho phân mềm hơn và làm giảm táo bón. Các thuốc này có thể hiệu quả, nhưng cần phải được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đến cơ sở khám chữa bệnh: Nếu vẫn không thuyên giảm chứng táo bón sau khi thử các phương pháp trên, bạn nên tìm sự giúp đỡ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tóm lại, stress có mối liên quan mật thiết với chứng táo bón. Trong đó, táo bón là một triệu chứng chứ không phải là một căn bệnh, nhưng táo bón là một rối loạn phổ biến nhu động ruột. Nếu để mạn tính sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đồng thời tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ cho việc khám và chữa bệnh. Quản lý tốt stress giúp giảm nguy cơ cho nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, thần kinh, chuyển hóa, nội tiết và tiêu hóa, trong đó có chứng táo bón.
((Theo calmclinic và newhealthadvisor))