Trẻ bị táo bón kéo dài sẽ gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các chức năng tiêu hóa khác cũng như sự phát triển của trẻ.

Nếu cha mẹ không thường xuyên quan tâm đến thói quen sinh hoạt của con thì bé sẽ dễ dàng bị rơi vào vòng luẩn quẩn của táo bón. Cứ thế tác hại của vòng luẩn quẩn này ngày càng lớn, khối phân đóng cứng trong trực tràng lớn dần lên, khi không thể giữ được nữa sẽ làm són một chút phân ra quần. Đôi khi việc này khiến bé thấy xấu hổ và thu mình lại, không tham gia các hoạt động trong lớp như các bạn cùng lứa.Nhiều bé bị táo bón không phải do thức ăn tiêu thụ hàng ngày mà vì nín nhịn, không chịu đi, chỉ vì một số lý do mà cha mẹ ít nghĩ tới: bé nhịn vì cảm thấy không thoải mái ở nơi đến, vì mải chơi mà quên đi cảm giác muốn đi vệ sinh, bé bị đau ở vùng hậu môn khiến bé cảm thấy sợ nên nhịn luôn để không bị đau thêm…
Theo các chuyên gia, nhiều bé bị táo bón đã hình thành “thói quen” bất thường là nín nhịn khi cảm thấy muốn đi tiêu. Khi đó các bé sẽ có những biểu hiện sau: uốn cong lưng, khép chặt mông, khóc, gồng cứng chân và mông, nhón gót, vặn vẹo, bồn chồn, hoặc có thể ngồi chồm hổm, hoặc một số tư thế bất thường khác…
Do đó, các bậc cha mẹ cần lưu ý phát hiện sớm hành vi nín nhịn này để có thể phòng ngừa hoặc điều trị sớm táo bón cho bé. Thông thường trẻ dưới một tuổi, thức ăn chủ yếu là sữa và các đồ ăn lỏng dễ tiêu thì trẻ ít bị táo bón. Táo bón ở trẻ đặc biệt thường xảy ra vào ba thời điểm: sau khi bắt đầu ăn bột ngũ cốc và trái cây nghiền, trong suốt thời gian tập ngồi bô hoặc bồn vệ sinh và sau khi bắt đầu đi học. Phụ huỵnh cần biết được những thời điểm nguy cơ này để kiểm soát dễ dàng hơn trong việc giúp bé phòng ngừa táo bón.
Giai đoạn tập ăn dặm
Bé đang từ bú mẹ hoặc bú bình chuyển sang ăn các món đặc, có thể do ăn không đủ chất xơ, uống không đủ nước khiến trẻ bị táo bón.
Tập ngồi bô hay bồn cầu
Ở giai đoạn này, bé có nguy cơ bị táo bón vì nhiều lý do:
– Chế độ ăn chủ yếu của bé ở giai đoạn này vẫn chủ yếu là sữa nên dễ bị thiếu chất xơ.
– Có thể bé không thích hoặc chưa có tâm lý sẵn sàng để ngồi vào “chỗ mới” nên không thích, chúng có thể cố gắng nín nhịn, điều này có thể dẫn đến táo bón.
– Bé đã bị đi phân cứng hoặc đau hơn khi đi tiêu hay nín hơn để khỏi phải ngồi bô/bồn cầu.
Giai đoạn đi học
Do điều kiện vật chất tại một số cơ sở giáo dục còn chưa đảm bảo nên một số bé thường nhịn đi về sinh, cả tiểu tiện lẫn đại tiện, chỉ khi nào không thể chịu được mới miễn cưỡng phải dùng nhà vệ sinh tại trường, lâu dần sẽ tạo thói quen nín nhịn và dẫn tới táo bón.
Theo phunutoday