Đau dạ dày và những vấn đề cần hiểu đúng

Đau dạ dày hiện đang được coi là căn bệnh của thời hiện đại. Song có một đặc điểm là ngay chính người mang bệnh cũng không biết rằng, những thói quen hằng ngày tưởng chừng như vô hại lại là “thủ phạm giấu mặt” gây ra cơn đau dạ dày dai dẳng.

“Thủ phạm” dẫn tới đau dạ dày

Đau dạ dày có nguyên nhân chính từ chế độ ăn uống “cẩu thả” của mọi người: ăn quá nhanh, ăn không đúng bữa, ăn đồ không hợp vệ sinh, nhiều dầu mỡ hay nhiều gia vị… đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của dạ dày.

Đau dạ dày và những vấn đề cần hiểu đúng 1

“Bạ lúc nào ăn lúc nấy” là thói quen của khá nhiều người và chính thói quen này đã gây hại cho dạ dày, dạ dày không biết phải điều tiết lượng acid tiết ra như thế nào. Theo quy luật, đến một giờ cố định, dạ dày sẽ tiết acid để tiêu hóa thức ăn, nếu đến thời điểm đó bạn không bổ sung thức ăn thì lượng acid được sản sinh ra sẽ bị dư thừa, từ đó gây ra tình trạng viêm loét dạ dày. Các thức ăn chiên xào, chứa nhiều dầu mỡ hoặc gia vị sẽ gây kích thích mạnh đến dạ dày khiến dạ dày dễ bị tổn thương dẫn đến viêm loét, những cơn đau dạ dày từ đó cũng xuất hiện.

Các thức uống chứa chất kích thích như rượu, bia hay một số thuốc giảm đau đều làm tăng nguy cơ bệnh đau dạ dày và các bệnh nguy hiểm khác liên quan đến dạ dày. Trong khi rượu bia kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid gây tổn thương niêm mạc dạ dày thì các loại thuốc giảm đau lại làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, một chất có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Ngoài việc ăn uống thì chế độ sinh hoạt thiếu khoa học cũng là thủ phậm gây hại cho sức khỏe dạ dày. Thức khuya sẽ khiến bạn hay cảm thấy đói và cần ăn đêm. Ăn đêm sẽ giải tỏa cảm giác thèm ăn của bạn trong tức thời nhưng có thể để lại di chứng lâu dài cho dạ dày.

Đau dạ dày và những vấn đề cần hiểu đúng 2

Ăn đêm sẽ khiến dạ dày phải làm việc quá sức

Với nhịp sống hiện đại, thói quen làm việc quá sức dẫn tới tình trạng stress kéo dài làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật gây tăng tiết acid hydrochloric và pepsin khiến cho lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày bị tổn thương, từ đó hình thành nên các vết viêm loét dẫn đến đau dạ dày.

Làm sao “chặn đứng” cơn đau dạ dày?

Để hạn chế cơn đau dạ dày tái phát, việc trước tiên cần làm là phải tránh xa tất cả các nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn đau dạ dày. Đó là phải ăn chậm, nhai kỹ; ăn đúng bữa; hạn chế dùng các loại đồ uống có cồn; không thức khuya; giảm stress và kiêng các loại thực phẩm có thể gây đau dạ dày.

Khi đã xuất hiện cơn đau, ở mức độ nhẹ, cơn đau dạ dày sẽ không đe dọa đến tính mạng nhưng gây ra phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, cáu gắt,… Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập cũng như các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn.

Đau dạ dày nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: chảy máu dạ dày, thủng dạ dày với những biểu hiện nôn ra máu, đau bụng, sốt, tim đập nhanh, đi đại tiện ra phân đen rất hôi. Vì vậy, ngay khi xuất hiện cơn đau nhẹ, bạn nên đi khám để bác sĩ tư vấn và kê các loại thuốc điều trị.

Theo giadinh.net

Add Comment