Chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm thực quản.

Bệnh rất dễ nhầm với viêm thanh quản, viêm loét dạ dày tá tràng, hen…Để lâu có thể sinh ra các biến chứng như thực quản Barrett, chít hẹp thực quản, loét và chảy máu thực quản.

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản

Khi cơ chế ngăn trào ngược giữa dạ dày và thực quản không tốt sẽ sinh ra trào ngược dạ dày thực quản. Chủ yếu là do cơ thất thực quản dưới không đóng kín được thực quản nên dòng axit từ dạ dày lên bị trào ra.

Các yếu tố thúc đẩy bệnh bao gồm: bệnh xơ cứng bì, phụ nữ có thai, thoát vị hoành, béo phì, sử dụng thuốc tăng huyết áp, chống trầm cảm, sử dụng rượu bia, thuốc lá.

trao-nguoc-da-day-01

Rượu bia, thuốc lá là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh trào ngược dạ dày phát triển

Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

Biểu hiện thường gặp nhất ở bệnh trào ngược dạ dày là nóng rát vùng ngực sau xương ức, lan từ thượng vị lên cổ và họng kèm ợ nóng. Các biểu hiện này xuất hiện sau ăn hoặc khi cúi gập người, khi nằm. Ban đêm triệu chứng càng rõ rệt hơn.

Nếu một tuần ợ nóng trên hai lần thì rất có thể bạn đang mắc trào ngược dạ dày thực quản. Để chẩn đoán chính xác bệnh cần phải nội soi. Tuy nhiên, tỷ lệ xác định được thương tổn khi nội soi dạ dày thực quản chỉ dưới 50%.

Phân loại các mức độ của bệnh

Viêm thực quản có 4 mức độ (dựa trên nội soi):

Độ A: có vết nứt niêm mạc dài không quá 5mm. Không có vết nứt kéo từ đỉnh nếp niêm mạc này sang đỉnh nếp niêm mạc khác.

Độ B: có vết nứt niêm mạc dài quá 5mm nhưng không có bất cứ vết nứt nào kéo từ đỉnh nếp niêm mạc này sang đỉnh nếp niêm mạc khác.

Độ C: có các vết nứt niêm mạc dài, nối các đỉnh của hai hoặc nhiều nếp niêm mạc. Nhưng không xâm phạm trên 75% chu vi ống thực quản.

Độ D: các vết nứt bao phủ trên 75% chu vi ống thực quản.

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Điều trị bệnh cần dựa trên mức độ nặng nhẹ.

Phối hợp dùng thuốc:

– Dùng thuốc kháng axit để trung hòa axit trong dạ dày

– Dùng thuốc kháng H2 để dạ dày giảm tiết axit

– Dùng thuốc ức chế bơm proton để duy trì độ pH > 4 (phương pháp này tuy chi phí cao nhưng lại giảm triệu chứng nhanh, giảm số lần tái khám, nên áp dụng ngay từ đầu)

trao-nguoc-da-day-02

Thuốc không thể thiếu trong liệu trình điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Thay đổi lối sống:

– Không ăn các loại thức ăn cay nóng. Bỏ rượu bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích.

– Ăn xong không nên nằm hoặc vận động ngay, tránh cúi gập người.

– Béo phì nên giảm cân

– Không mặc quần áo bó sát quá, nhất là vùng thắt lưng thắt quá chặt.

– Không ăn quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ

– Kê gối 15-20cm khi nằm ngủ.

Các điều trị khác:

Nếu không đáp ứng điều trị nội khoa thì cần dùng phương pháp điều trị xâm hại: cắt niêm mạc nội soi, điều trị bằng nhiệt cực thấp, điều trị bằng sóng cao tần hoặc laser. Trường hợp gấp mới phẫu thuật khây đáy vị dạ dày (đoạn dưới thực quản) nhằm tăng co thắt thực quản, chống trào ngược. Trường hợp loạn sản nặng, thực quản Barrett hoặc ung thư mới xem xét cắt bỏ phần lớn thực quản.

Theo ThS.BS. VÕ NGỌC QUỐC MINH

Phân khoa Nội Tiêu hóa Gan Mật – BV.ĐHYD TP.HCM

Add Comment