Ung thư tiêu hóa chỉ vì… sở thích ăn uống
Xúc xích, thịt xiên, ngô, khoai, bánh mỳ, nem chua rán… là những món ăn quen thuộc của giới trẻ và được bày bán tràn lan trên các vỉa hè, khu chợ ,bên cạnh trường học. Tuy nhiên, việc sử dụng các thực phẩm này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư đường tiêu hóa. Lý do là bởi:
Thực phẩm bẩn
Ở các hàng quán vỉa hè, các sản phẩm thường được làm từ nguyên liệu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ hay hạn sử dụng. Thông thường, các thức ăn này sẽ phải sử dụng tới phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản…
Khi bị lạm dụng, các chất này không chỉ có nguy cơ gây ung thư mà còn là tác nhân của nhiều chứng bệnh khác ở trẻ nhỏ như: rối loạn hệ thần kinh và tiêu hóa, gây ra trạng thái kích động, cười đùa ngoài tầm kiểm soát…
Quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh
Một nghiên cứu của Bộ Y tế về tình trạng vệ sinh bàn tay của những người chế biến thực phẩm đường phố gần đây cho biết: tỷ lệ bàn tay nhiễm vi khuẩn E.coli ( loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy, rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong) và các vi khuẩn đường ruột khác, trong đó có khuẩn tả lên tới 70 – 80%.
Người dùng nếu ăn thực phẩm được chế biến từ những bàn tay bẩn như vậy sẽ phải chịu nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì buồn nôn, đau bụng; thậm chí những trường hợp ăn phải chất kịch độc có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc chịu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Nếu ai có sức đề kháng kém, nhất là trẻ em, người mắc bệnh mãn tính, sẽ dễ có biểu hiện ngộ độc hơn những người khác.
Như vậy, chưa thể kết luận một cách chính xác các yếu tố cụ thể gây ung thư đường tiêu hóa nhưng có một điều chắc chắn rằng: khi đưa những thực phẩm không đảm bảo về vệ sinh cũng như cách chế biến gây độc hại vào cơ thể, thì các chất vốn không có khả năng gây ung thư sẽ biến đổi thành những chất có khả năng gây ung thư cao.
Một số yếu tố nguy cơ ung thư đường tiêu hóa khác:
Theo các bác sĩ , ngoài thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, còn nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa như:
– Có tiền sử gia đình mắc bệnh: ung thư đường tiêu hóa có liên quan tới gen di truyền. Theo đó những người có người thân trong gia đình mắc bệnh sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư.
– Tiền sử cá nhân mắc bệnh ở đường tiêu hóa: những người có tiền sử mắc bệnh ở đường tiêu hóa, không được điều trị kịp thời và triệt để, đúng phương pháp, bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính, lâu ngày hình thành khối u. Đặc biệt, những người có polyp ở đường tiêu hóa, không điều trị sớm có nguy cơ chuyển biến thành ung thư.
– Ăn nhiều thịt đỏ, ít rau xanh: chế độ ăn nhiều thịt động vật, mỡ, ít rau xanh, không đủ chất xơ cho cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa như ung thư đại trực tràng. Những người có thói quen ăn những thực phẩm cay nóng, chế biến sẵn, thực phẩm lên men… làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư dạ dày…
Làm thế nào để “thoát” ung thư?
Với tình trạng an toàn thực phẩm tại nước ta, đặc biệt là các loại đồ ăn thức uống bán vỉa hè không có quản lý và không rõ nguồn gốc xuất xứ, dự kiến trong vài năm tới, ung thư đường tiêu hóa sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Để bảo vệ sức khỏe chính bạn và người thân và phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, tốt nhất nên nấu ăn tại nhà với những thực phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, để sớm phát hiện các bất thường của đường tiêu hóa và xử trí kịp thời, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư, nên thực hiện khám tầm soát ung thư thực quản – dạ dày – đại trực tràng định kỳ.